Menu
  
Tin tức sự kiện

Giảng viên trẻ UEF chia sẻ phương pháp ứng dụng chuyển đổi số trong công tác giảng dạy

24/03/2023
Tiếp nối các hoạt động của Tháng Thanh niên, hưởng ứng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sáng nay - 24/3, Đoàn Thanh niên UEF đã tổ chức diễn đàn "Giảng viên trẻ UEF - Chuyển đổi số trong công tác giảng dạy”. Hoạt động có sự phối hợp triển khai của Chi đoàn cán bộ - giảng viên - nhân viên, Liên Chi đoàn Khoa Quản trị kinh doanh và Liên Chi đoàn Khoa Marketing, bám sát chủ đề tháng 3: “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số”.
Chương trình đã giúp các giảng viên trẻ có cơ hội chia sẻ, trao đổi phương pháp giảng dạy, từ đó học hỏi thêm nhiều ứng dụng chuyển đổi số trong việc giảng dạy tại trường.
Tham gia chia sẻ tại diễn đàn có: ThS. Trần Đức Sự - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành Đoàn TP.HCM; ThS. Lưu Hoàng Thiện Minh - Giảng viên Viện Quốc tế; ThS. Võ Hồng Sơn - Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh; ThS. Nguyễn Đình Tuấn - Trợ lý Trưởng Khoa Tiếng Anh và ThS. Hoàng Văn Hiếu - Trưởng ngành Công nghệ thông tin. 
 




5 diễn giả mang đến những chủ đề thiết thực về chuyển đổi số
 
Chương trình còn có sự tham dự của: TS. Nguyễn Thanh Giang - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng; TS. Mạch Trần Huy - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh Văn phòng trường; ThS. Nguyễn Huỳnh Sinh - Bí thư Đoàn trường, Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên; ThS. Nguyễn Ngọc Thủy Tiên - Phó Bí thư Đoàn trường, Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban.
 
TS. Nhan Cẩm Trí phát biểu khai mạc diễn đàn
 

Ứng dụng AI, chuyển đổi số vào công tác học tập và giảng dạy


Theo ThS. Lưu Hoàng Thiện Minh, AI đơn giản là những phần mềm, hệ thống bắt chước, làm theo những điều mà con người có thể suy nghĩ ra, làm được. “AI đã được ứng dụng trong giáo dục từ rất sớm. Ví dụ điển hình là ứng dụng học tiếng Anh Duolingo. AI trong ứng dụng này sau khi thu thập thông tin cá nhân, thông tin về trình độ của người học sẽ  đưa ra chương trình học phù hợp cho người đó” - thầy Thiện Minh chia sẻ. 
“Sự thông minh của AI có thể được ứng dụng 1 cách đơn giản hơn, phục vụ cho công tác giảng dạy hằng ngày của chúng ta” - thầy nhận định thêm. Trước hết, chúng ta có thể sử dụng trình chuyển giọng nói thành văn bản trên Google Docs để giúp việc trả lời email của sinh viên, nhận xét bài tập trở nên nhanh chóng hơn. Ngoài ra, công cụ Grammarly cũng rất hữu ích cho các thầy, cô lẫn các bạn sinh viên trong việc nhận diện và sửa lỗi sai trong các bài luận bằng tiếng Anh.
Đồng ý với thầy Thiện Minh, ThS. Võ Hồng Sơn cũng cho rằng AI hiện nay đã trở nên thông minh và vô cùng tiện dụng trong đời sống. “Bing Chat là một chatbot "mạnh hơn Chat GPT" và được tùy chỉnh riêng để tìm kiếm. Công cụ sử dụng những kiến thức và cải tiến quan trọng từ Chat GPT và GPT-3.5. Công việc nghiên cứu khoa học của chúng ta nhờ đó có thể trở nên dễ dàng hơn” - ThS. Võ Hồng Sơn cho biết
 



Các chủ đề mang tính thực tế, thu hút sự quan tâm của khách mời

Theo đó, Bing là một công cụ tìm kiếm tổng hợp. Vượt trội hơn Google, Bing có thể tổng hợp nhiều nguồn để đưa ra một câu trả lời hợp lý nhất cho vấn đề mà chúng ta tìm kiếm. Thêm nữa, các nguồn của Bing đều là nguồn thực, có thể truy xuất được. 
Ngoài ra, ứng dụng này còn hỗ trợ trong việc tìm kiếm ý tưởng, chủ đề, mục tiêu của nghiên cứu. Thầy Hồng Sơn chia sẻ: “Qua quá trình đi dạy, mình hiểu các bạn sinh viên cảm thấy rất hoang mang trong việc tìm ý tưởng, mục tiêu, chủ đề của nghiên cứu. Để giúp các bạn có thể tư duy dễ dàng hơn, chúng ta có thể trò chuyện cùng Bing trong chế độ chính xác với câu hỏi: “Tôi có lĩnh vực này, hãy cho tôi một vài ý tưởng”. Từ đó, các ý tưởng sẽ xuất hiện kèm theo mô tả về ý tưởng đó”.  

 

Sử dụng AI một cách chọn lọc 

 

AI là một phát minh vĩ đại và hữu dụng. Tuy nhiên, nó vẫn không thể toàn diện như suy nghĩ của một con người. Thứ nhất, những câu trả lời nhận về từ AI luôn cần được kiểm chứng và tự phản biện. Bởi suy cho cùng, đây vẫn chỉ là công cụ tìm kiếm, tổng hợp một cách đầy đủ từ nhiều nguồn khác nhau trong kho kiến thức. Vì vậy, người sử dụng luôn cần biên tập lại các xuất bản của mình để đảm bảo quyền và trách nhiệm của tác giả. 
Cùng với đó là sự lạm dụng AI để gian lận trong công việc và học tập. ThS. Lưu Hoàng Thiện Minh lo lắng: “Tình trạng sinh viên sử dụng chat GPT hay Bing Chat để cheating, giải quyết các đề bài được giảng viên đưa ra đã xuất hiện. Đây là một tình trạng đáng quan ngại”.
Theo đó, diễn giả cũng đưa ra cách giải quyết cho tình trạng trên: có thể sử dụng sự thông minh của Chat GPT để kiểm chứng những bài luận có dấu hiệu đạo văn bằng cách hỏi ngược lại Chat GPT theo cấu trúc “Did you write this?”. Bởi Chat GPT có khả năng nhớ mọi nội dung mà nó từng viết, vì vậy, đây là một cách hợp lý.
 
Toàn cảnh diễn đàn sáng 24/3

Bên cạnh những nội dung nói trên, diễn đàn "Giảng viên trẻ UEF - Chuyển đổi số trong công tác giảng dạy” còn đem đến nhiều nội dung thú vị như: “Sử dụng JamBoard và Google Earth trong giảng dạy” do ThS. Nguyễn Đình Tuấn trình bày; chủ đề “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác Đoàn Hội” của ThS. Hoàng Văn Hiếu và những trao đổi về “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh bùng nổ trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số” của ThS. Trần Đức Sự.
 
Cán bộ, giảng viên, nhân viên của UEF luôn cập nhật, trau dồi kiến thức mới để cái thiện môi trường học tập cho sinh viên

Là một trong những hoạt động hưởng ứng Tháng Thanh niên của UEF, diễn đàn không chỉ mang giá trị chia sẻ kiến thức mà còn thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu cái mới của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Nhà trường trong công cuộc giảng dạy, hoạt động phong trào nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng môi trường học tập ngày càng phát triển cho sinh viên. 
 
 
Phương Anh
Ảnh: Tuấn Nâu
TIN LIÊN QUAN