Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động khó lường trong chuỗi cung ứng toàn cầu, việc thấu hiểu sâu sắc các điểm nghẽn logistics quốc tế đã trở thành điều cần thiết với những ai đang học tập, giảng dạy và làm việc trong lĩnh vực kinh tế.
Nhằm cập nhật kiến thức thực tiễn, mở rộng góc nhìn toàn cầu cho thầy cô giảng viên, sáng ngày 10/7, Khoa Kinh tế (FOE) đã tổ chức buổi chia sẻ chuyên môn với chủ đề “Crises in the Suez - Red Sea Corridor and Impacts on Global Supply Chains”, dưới sự dẫn dắt của PGS.TS. Trần Nguyên Khôi - Chuyên gia Logistics và Quản trị Chuỗi cung ứng, Giám đốc Học thuật - Dự án Việt Nam, Trường Kinh doanh EM Normandie.
Chương trình mang đến những giá trị học thuật thiết thực, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên
Tham dự chương trình có TS. Majo George - Trưởng khoa Kinh tế, TS. Đỗ Thị Thu Hà - Phó Trưởng khoa Kinh tế, ThS. Nguyễn Lê Đông Xuân - Phó Trưởng khoa Kinh tế, ThS. Nguyễn Quốc Việt - Viện trưởng Viện Tây Ban Nha và Mỹ Latinh cùng đông đảo giảng viên Khoa Kinh tế. Có thể nói, đây chính là dịp để các thầy cô cập nhật kiến thức chuyên môn, đồng thời mở rộng góc nhìn thực tiễn về logistics quốc tế và những thách thức mang tính toàn cầu.
Đại diện Khoa Kinh tế trao thư cảm ơn đến diễn giả
Trong phần trình bày, PGS.TS. Trần Nguyên Khôi đã mang đến một góc nhìn toàn cảnh về các điểm nghẽn trong logistics quốc tế, đặc biệt tập trung vào hành lang kênh đào Suez - biển Đỏ - một trong những tuyến vận tải biển trọng yếu bậc nhất thế giới. Thông qua các số liệu thực tế, video minh họa và các ví dụ điển hình, diễn giả đã giúp người tham dự hình dung rõ nét về những khủng hoảng từng xảy ra và hệ lụy lan tỏa của chúng.
Một trong những tình huống điển hình được phân tích là sự cố tàu container Ever Given bị mắc cạn tại kênh đào Suez từ ngày 23 đến 29/3/2021. Đây được xem là sự gián đoạn nghiêm trọng nhất trên tuyến vận tải Đông - Tây kể từ thập niên 1970, ảnh hưởng đến khoảng 450 tàu hàng với tổng giá trị hàng hóa lên đến 58 tỷ USD. Sự cố không chỉ gây ùn ứ hàng trăm tàu mà còn buộc nhiều tàu khác phải chọn lộ trình vòng qua Mũi Hảo Vọng - kéo dài thời gian và phát sinh chi phí đáng kể.
Diễn giả mang đến góc nhìn sâu sắc về những biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Diễn giả cũng đi sâu phân tích các tác động đa chiều của khủng hoảng lên nhiều đối tượng. Đối với các hãng tàu, hậu quả là lịch trình trở nên kém ổn định, chi phí vận hành tăng cao và buộc phải hủy bỏ một số điểm cập cảng để khôi phục trạng thái bình thường. Về môi trường, các tàu neo đậu lâu ngày hoặc phải di chuyển xa hơn gây phát thải lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí.
Kênh đào Suez vốn là nguồn thu nhập quan trọng của Ai Cập, cũng đối mặt với nguy cơ mất nguồn thu và sự cạnh tranh từ các tuyến vận chuyển thay thế như tuyến Bắc Cực, đường sắt Trung Quốc - châu Âu hoặc thậm chí là vận tải hàng không.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, chuỗi cung ứng kéo dài và kém ổn định gây ra hàng loạt hệ lụy: tăng chi phí tồn kho, giảm chất lượng hàng hóa (nhất là sản phẩm nhạy cảm về thời gian), ảnh hưởng đến dịch vụ khách hàng và gia tăng áp lực phải chuyển sang các hình thức vận chuyển đắt đỏ hơn như hàng không. Tại đây, PGS.TS. Trần Nguyên Khôi còn chia sẻ về việc hàng loạt tập đoàn lớn cũng đã phải tạm ngưng sản xuất hoặc đối mặt với nguy cơ giao hàng trễ do tác động từ các đợt khủng hoảng tại biển Đỏ trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý, Việt Nam tuy cách xa khu vực này đến 8.000 km, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo số liệu được diễn giả cung cấp, mỗi tuần có khoảng 1,5 tỷ USD hàng xuất khẩu của Việt Nam đi qua hành lang Suez - Hồng Hải. Bất kỳ khủng hoảng nào xảy ra tại khu vực này đều có thể khiến giá xuất khẩu tăng, giảm sức cạnh tranh hoặc làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Xét về dài hạn, sự bất ổn của chuỗi cung ứng liên lục địa có thể thúc đẩy xu hướng đưa chuỗi sản xuất trở về gần thị trường tiêu thụ (reshoring/nearshoring), điều có thể làm thay đổi cục diện thương mại toàn cầu.
![]()
Các giảng viên Khoa Kinh tế tích cực thảo luận, trao đổi cùng diễn giả
Khép lại phần chia sẻ, các giảng viên Khoa Kinh tế đã cùng diễn giả trao đổi thêm nhiều khía cạnh chuyên môn. Buổi chuyên đề không chỉ cập nhật tri thức thực tiễn mang tính toàn cầu, mà còn mở ra những hướng tiếp cận mới mẻ, đầy giá trị cho công tác giảng dạy và nghiên cứu của đội ngũ giảng viên.
Thông qua chương trình, tin rằng các giảng viên Nhà UEF đã có thêm hành trang tri thức để hiểu rõ những thách thức trong thời đại chuỗi cung ứng nhiều biến động, cũng như chuẩn bị cho mình tư duy linh hoạt, cập nhật và sẵn sàng thích ứng với các tình huống. Đây cũng là minh chứng sinh động cho định hướng học thuật gắn liền thực tiễn, tầm nhìn toàn cầu và khả năng đón đầu xu hướng giáo dục mà Khoa Kinh tế luôn nỗ lực theo đuổi.
TT.TT-TT