Được khởi động từ tháng 10/2024, cuộc thi “Hành trình nghiên cứu sáng tạo 2025” đã khép lại bằng vòng Chung kết và triển lãm với nhiều đề tài ấn tượng vào chiều ngày 26/5 vừa qua, đánh dấu một mùa nghiên cứu khoa học nhiều bứt phá của sinh viên Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông (PRC) UEF.
Vượt qua những giá trị của một cuộc thi học thuật, hành trình này phản ánh một thế hệ sinh viên trẻ với tư duy nhạy bén, khả năng cập nhật nhanh những chuyển động của xã hội và đặc biệt là tinh thần dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học với sự sáng tạo không giới hạn.
Vòng Chung kết có sự tranh tài của 6 đội thi xuất sắc được tuyển chọn từ 40 đề tài
Từ 40 đề tài nghiên cứu, Ban tổ chức đã chọn ra 6 đề tài nổi bật nhất để bước vào vòng Chung kết. Những vấn đề được lựa chọn phản ánh rõ nét sự quan tâm của sinh viên UEF đối với các xu hướng hiện đại như trí tuệ nhân tạo, social media, shoppertainment, chăm sóc sức khỏe tinh thần và cả văn hóa đại chúng trong lĩnh vực game - lĩnh vực mà giới trẻ đang dành phần lớn sự chú ý.
Không chỉ dừng lại ở việc quan sát, các bạn sinh viên đã chọn cách tiếp cận các đề tài bằng tư duy phân tích, phản biện, đặt ra các giả thiết khoa học, khảo sát thực tiễn và đưa ra những giải pháp gợi mở, ứng dụng cao.
TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng Nhà trường và đại diện Khoa trao hoa cảm ơn đến các nhà tài trợ: Ngân hàng số CAKE by VPBank (nhà tài trợ kim cương) và Magic Lamp Media Production (nhà tài trợ đồng hành)
Trước khi bước vào vòng thi Chung kết, ban giám khảo, khách mời và sinh viên đã được tham khảo các sản phẩm nghiên cứu thông qua không gian triển lãm poster được tổ chức song song. Tại đây, những “đề tài nóng” mang tính ứng dụng cao đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách mời, giảng viên, sinh viên và các đại diện doanh nghiệp.
PGS.TS. Hoàng Thị Hồng Hà - Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, phát biểu tại chương trình rằng: “Chỉ cần nhìn một vòng các poster được trưng bày ở triển lãm, chúng ta cũng đã thấy phần lớn là các đề tài ứng dụng. Các bạn tập trung rất nhiều vào social media, TikTok,... Chúng tôi rất mong muốn các bạn có thể nhìn thấy, lắng nghe, chấp nhận và giải quyết được các vấn đề của doanh nghiệp bằng tư duy nghiên cứu khoa học của mình”. Đây không chỉ là lời động viên mà còn là kỳ vọng dành cho thế hệ sinh viên dám nghĩ, dám làm và dám bước ra khỏi giới hạn của giảng đường để kết nối trực tiếp với những bài toán thực tiễn ngoài xã hội.
PGS.TS. Hoàng Thị Hồng Hà đánh giá cao tinh thần nghiên cứu của sinh viên
Đội ngũ Ban giám khảo tại vòng thi quyết định này có: PGS.TS. Hoàng Thị Hồng Hà - Trưởng khoa, Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông; ThS. Nguyễn Thị Bích Vân - Phó Trưởng khoa, Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông; TS. Nguyễn Văn Tường - Cố vấn ngành Tâm lý học, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông; TS. Lê Minh Tấn - Giảng viên Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông và ông Vũ Bá Thuấn - Tổng Giám đốc điều hành Magic Lamp Media Production.
Chị Bùi Việt Hiền Nhi - Giám đốc Truyền thông và đối ngoại ngân hàng số CAKE by VPBank đại diện nhà tài trợ kim cương chia sẻ
Tại vòng thi Chung kết, mỗi đội đã có 10 phút để thuyết trình về đề tài và 5 phút vấn đáp cùng ban giám khảo. Với sự đầu tư, chỉn chu, chuyên nghiệp và sự tự tin, các nhóm đều đã hoàn thành tốt phần dự thi của mình. Nhìn chung, các đội đều nhận được sự khen ngợi và khích lệ từ hội đồng chuyên môn.
Một trong những điểm sáng của vòng Chung kết là đề tài đã đạt cao nhất cuộc thi - giải Nhì (không có giải Nhất) - “Tác động của Shoppertainment đến hành vi mua sắm trực tuyến của giới trẻ trên nền tảng TikTok”. Nhóm nghiên cứu đã khai thác một hiện tượng đang bùng nổ trên thị trường thương mại điện tử khi mà giải trí và mua sắm đang dần hòa quyện vào nhau. Không chỉ dừng lại ở việc phân tích hành vi tiêu dùng, nhóm còn làm nổi bật được các yếu tố thị giác, âm thanh, kịch bản tương tác,... - những “gia vị” làm nên hiệu ứng cuốn hút của Shoppertainment. Đây là một hướng đi thể hiện rõ sự nhạy bén của sinh viên UEF với chuyển động của thị trường, đặc biệt là khi TikTok đang không ngừng mở rộng “sân chơi” mua sắm cho thế hệ Gen Z.
Bên cạnh đó, đề tài “Phân tích các yếu tố văn hóa đóng góp vào sự thành công của trò chơi Black Myth: Wukong và xây dựng nội dung trò chơi tương tự tại Việt Nam” cũng đã xuất sắc đạt giải Ba chung cuộc. Từ một hiện tượng trong ngành công nghiệp game Trung Quốc, nhóm tác giả đã đi sâu vào phân tích yếu tố bản địa, giá trị văn hóa và khả năng kể chuyện - những thứ làm nên linh hồn cho một tựa game. Điều đáng ghi nhận là nhóm không chỉ dừng lại ở việc ca ngợi thành công của người khác mà còn đặt ra một khát vọng rất Việt Nam: chúng ta có thể kể được những câu chuyện dân gian, truyền thuyết của chính mình bằng ngôn ngữ hiện đại, sống động như cách Black Myth đã làm. Đây vừa là một đề tài sáng tạo vừa là một lời gợi mở lớn cho ngành công nghiệp sáng tạo trong nước, trong đó, sinh viên có thể đóng vai trò là những người khơi nguồn cảm hứng.
Sinh viên tự tin trình bày công trình nghiên cứu sáng tạo trước hội đồng chuyên môn
Sinh viên tự tin trình bày công trình nghiên cứu sáng tạo trước hội đồng chuyên môn
Sinh viên tự tin trình bày công trình nghiên cứu sáng tạo trước hội đồng chuyên môn
Sinh viên tự tin trình bày công trình nghiên cứu sáng tạo trước hội đồng chuyên môn
Sinh viên tự tin trình bày công trình nghiên cứu sáng tạo trước hội đồng chuyên môn
Sinh viên tự tin trình bày công trình nghiên cứu sáng tạo trước hội đồng chuyên môn
Đặc biệt, sự kết nối giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong xuyên suốt hành trình cuộc thi chính là một điểm cộng lớn, giúp các bạn sinh viên không chỉ nhận được sự đánh giá khách quan mà còn mở ra cơ hội áp dụng nghiên cứu vào thực tiễn.
Không gian triển lãm các đề tài tại sảnh tầng 15 (trụ sở 141, Điện Biên Phủ)
Khép lại hành trình năm nay, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng cho những đề tài xuất sắc gồm:
- Giải Nhì: Đề tài "Tác động của Shoppertainment đến hành vi mua sắm trực tuyến của giới trẻ trên nền tảng TikTok".
- Giải Ba: Đề tài "Phân tích các yếu tố văn hóa đóng góp vào sự thành công của trò chơi “Black Myth: Wukong” và xây dựng nội dung trò chơi tương tự tại Việt Nam".
- Giải Khuyến khích thuộc về 2 đề tài: "Tác động của tranh vẽ AI trong chiến dịch gia tăng độ nhận diện thương hiệu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh"; "Mức độ tiếp xúc, nhận thức, trải nghiệm và niềm tin: Động lực chấp nhận AI trong xây dựng thương hiệu cá nhân trên LinkedIn".
- Giải Ấn tượng nhất: Đề tài "Trải nghiệm vượt qua khủng hoảng tinh thần của học sinh trung học phổ thông".
- Giải Triển vọng nhất: Đề tài "Ảnh hưởng của thời gian sử dụng TikTok đến khả năng kiểm soát sự chú ý của sinh viên UEF".
Các giải thưởng đã tìm được chủ nhân xứng đáng
Các giải thưởng đã tìm được chủ nhân xứng đáng
Các giải thưởng đã tìm được chủ nhân xứng đáng
Các giải thưởng đã tìm được chủ nhân xứng đáng
Cuộc thi “Hành trình nghiên cứu sáng tạo 2025” một lần nữa khẳng định sinh viên UEF đang không ngừng chuyển mình theo nhịp đập xã hội, sẵn sàng khám phá và nghiên cứu những lĩnh vực mới mẻ, đa chiều và thiết thực. Trên hết, đây chính là nơi khởi đầu cho những ước mơ nghiên cứu, sáng tạo được nuôi dưỡng bằng tinh thần học thuật, sự tự tin và khát vọng góp phần thay đổi cộng đồng bằng tri thức.
TT.TT-TT