Menu
  
Tin tức sự kiện

Hành trình nâng cao tri thức, học tập suốt đời của những "người khai sáng"

20/11/2023
Là người có vai trò truyền đạt kiến thức, khai mở tư duy, các thầy cô luôn chú trọng vào việc nâng cao trình độ để phục vụ công tác chuyên môn tốt hơn. Trong thời đại công nghệ phát triển, điều này càng được đề cao. Tại UEF, các giảng viên cũng không ngừng nỗ lực học tập và bồi dưỡng tri thức. Trong năm học vừa qua, Nhà trường ghi nhận nhiều thầy cô đã hoàn thành chương trình và nhận bằng Tiến sĩ. 
Học tập suốt đời không chỉ dừng lại ở việc trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người học, mà còn giúp mỗi người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ, đòi hỏi về tri thức, kỹ năng và sự thích ứng cao hơn, để trở thành công dân số, công dân toàn cầu, vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
 

Các thầy cô của UEF hoàn thành chương trình và nhận bằng Tiến sĩ trong năm học vừa qua
 
Việc nâng cao tri thức, học tập suốt đời càng cần thiết hơn đối với những người làm công tác giáo dục. Điều này không chỉ giúp phát triển trình độ bản thân mà còn góp phần vào công tác đào tạo, truyền đạt những tri thức đến học sinh, sinh viên. Học tập suốt đời cũng là một trong những triết lý giáo dục mà UEF luôn hướng đến. 
Năm học 2022-2023, UEF ghi nhận có 4 thầy cô đã hoàn thành chương trình và nhận bằng Tiến sĩ: TS. Lý Đan Thanh - Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, TS. Mạch Trần Huy - Phó Chánh Văn phòng Trường, TS. Tăng Mỹ Sang - Phó Trưởng khoa Tài chính - Thương mại, TS. Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng khoa Marketing. Đây là thành quả đáng tự hào cho những nỗ lực, cố gắng trong hành trình chinh phục và nâng cao tri thức của các thầy cô. 
 

TS. Lý Đan Thanh nhấn mạnh người làm nghề giáo cần tiếp tục học tập và cập nhật kiến thức mới để truyền tải đến người học
 
Chia sẻ suy nghĩ về người làm nghề giáo cũng cần nâng cao tri thức và học tập suốt đời, TS. Lý Đan Thanh - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh bày tỏ: "Vai trò, vị trí của người thầy, người cô rất quan trọng trong thời đại 4.0 hiện nay. Người làm nghề giáo cần phải nhìn thấy trách nhiệm của mình, tiếp tục học tập, cập nhật kiến thức ngày một mới hơn và ứng dụng những thành tựu khoa học để có thể truyền tải đến người học những gì tốt nhất".
 
 

Việc nâng cao tri thức và học tập suốt đời giúp cho người làm công tác giáo dục thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng 
 
Đối với TS. Tăng Mỹ Sang - Phó Trưởng khoa Tài chính - Thương mại: Quyết định học tiếp ở cấp cao hơn thường đến từ nhiều nguồn động lực khác nhau và mỗi người có lý do riêng của mình. Quyết định học Tiến sĩ của tôi đến từ yêu cầu nghề nghiệp, giúp tôi phát triển kỹ năng nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn và uy tín trong nghề. Theo tôi thì việc nâng cao tri thức và học tập suốt đời giúp cho người làm công tác giáo dục thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng trong thế giới hiện đại, cập nhật thông tin, xu hướng mới và tri thức tiên tiến trong lĩnh vực chuyên môn. Ngoài ra, hành trình này còn giúp phát triển và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giúp phát triển tư duy khoa học và tạo nền tảng cho sự sáng tạo. Từ đó, có thể áp dụng kiến thức mới để tạo ra giải pháp sáng tạo cho các thách thức xã hội và kinh tế”. 
Nhấn mạnh về triết lý học tập suốt đời, TS. Mạch Trần Huy - Phó Chánh Văn phòng trường cho biết đây là điều rất quan trọng, đặc biệt là trong giáo dục. Học tập suốt đời không chỉ vì mong muốn có thêm bằng cấp chuyên môn, mà còn học những kỹ năng, kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày. Quyết định học chương trình Tiến sĩ của TS. Mạch Trần Huy không chỉ để nâng cao trình độ, nghiệp vụ mà việc học còn giúp bản thân trưởng thành và toàn diện hơn trong nhiều mặt. “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là động lực giúp thầy phấn đấu trong hành trình học tập của mình. 
 



Quá trình tiếp xúc và chia sẻ với sinh viên càng tạo động lực nâng cao tri thức cho TS. Mạch Trần Huy 
 
Chia sẻ về hành trình nâng cao tri thức và học tập suốt đời, TS. Mạch Trần Huy cũng bày tỏ niềm cảm kích về sự ủng hộ của gia đình và Nhà UEF, đồng thời gợi nhắc và biết ơn về động lực mà những người thầy hướng dẫn đã truyền đạt. 
 



TS. Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng khoa Marketing tích cực trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu
 
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, những suy nghĩ và hy vọng về nghề giáo được các thầy cô gửi gắm. Nâng cao tri thức và học tập suốt đời cũng là một trong những động lực để “người khái sáng” gắn bó với nghề cao quý này. Nhà UEF hy vọng các thầy cô sẽ tiếp tục theo đuổi hành trình chinh phục và truyền đạt tri thức, đào tạo thế hệ đầy đủ đức - trí - thể - mỹ cho đất nước. 
 
Nguyên Lê 
TIN LIÊN QUAN