Menu
  
Tin tức sự kiện

"​Nhật ký" hành trình học tập thực tế của sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật tại Bảo Lộc - Đà Lạt

11/12/2023
Phát huy thế mạnh về mạng lưới kết nối doanh nghiệp, UEF không ngừng đa dạng hóa các hoạt động học tập thực tế dành cho sinh viên. Không chỉ ở phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình tham quan doanh nghiệp còn được mở rộng ở nhiều địa phương khác nhau nhằm mang đến cho sinh viên góc nhìn đa chiều và tiếp cận những kiến thức, công nghệ mới. Những chuyến đi trải nghiệm cũng là cơ hội để sinh viên được kết nối cùng thầy cô, bạn bè và đại diện doanh nghiệp. 
“Sau hai ngày tham gia Company Tour, em đã nhận được nhiều giá trị bổ ích. Bên cạnh việc tìm hiểu về các quy trình, sản phẩm công nghệ cao của Nhật Bản em còn có cơ hội để tiếp xúc gần gũi hơn với thầy cô và các bạn. Trải nghiệm này sẽ là những khoảnh khắc đáng nhớ trong quãng đời sinh viên của em tại UEF”. Đây là những chia sẻ của bạn Phan Thị Mỹ Linh - sinh viên năm 2 ngành Ngôn ngữ Nhật, sau khi tham gia chương trình Company Tour "Tìm hiểu nông nghiệp công nghệ cao của Nhật bản tại tỉnh Lâm Đồng" vào ngày 9, 10/12 vừa qua. 
Hoạt động có sự đồng hành của TS. Võ Văn Thành Thân - Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, ThS. Cao Đỗ Quyền - Trợ lý ngành Ngôn ngữ Nhật cùng các thầy, cô giảng viên Khoa. 
 



Thầy cô, sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế UEF đã có nhiều trải nghiệm thú vị cuối tuần qua

 

Ngày 9/12: Tìm hiểu quy trình sản xuất nấm mỡ Yoshi - sản phẩm đạt chứng nhận Global G.A.P

 

Rạng sáng ngày 9/12, đoàn tham quan xuất phát từ UEF và bắt đầu hành trình đến khu công nghiệp Lộc Sơn, phường Lộc Sơn, Thành phố Bảo Lộc. Trưa cùng ngày, thầy cô và các bạn sinh viên đã đến địa điểm tham quan - Công ty TNHH Yoshimoto Mushroom Việt Nam và được tiếp đón bởi anh Nguyễn Quang Dũng - Trưởng nhà máy. 
 

TS. Võ Văn Thành Thân trao thư cảm ơn cho đại diện phía doanh nghiệp
 
Tại đây, đoàn được giới thiệu về quy trình chặt chẽ khi sản xuất nấm mỡ. Trước khi tham quan trực tiếp các khu vực trồng nấm, UEFers được trang bị kỹ lưỡng đồ bảo hộ nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh cho sản phẩm. Đoàn được chia thành 2 nhóm do chị Nguyễn Thị Thu Thảo - Trưởng phòng Kỹ thuật và anh Tạ Thiên Anh - nhân viên phòng Kỹ thuật hướng dẫn, chia sẻ. 
Hình ảnh ấn tượng đầu tiên khi bước vào hành trình khám phá nấm mỡ là nhà máy được trang bị phòng lạnh và thiết bị hiện đại để nuôi trồng. Các phòng này được xây dựng khép kín. Mỗi gian được lắp 2 giàn khung sắt, mỗi khung có 4 tầng để trồng hai loại nấm: nấm trắng và nấm nâu.
Giá thể trồng nấm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là rơm theo tiêu chuẩn cao nhất, kết hợp công nghệ lên men Nhật Bản, sử dụng 1 lần duy nhất, không tái sử dụng. Vì vậy, sản phẩm nấm mỡ có kích thước đạt tiêu chuẩn, hàm lượng dinh dưỡng tối ưu.
 



Đoàn tham quan tại các phòng nấm được chia theo giai đoạn sinh trưởng
 
Theo anh Thiên Anh, nguyên liệu làm nấm được nhập khẩu 100% từ Hà Lan và áp dụng quy trình trồng nấm mỡ của Nhật Bản. Công ty đã đưa nguyên quy trình sản xuất và cam kết chất lượng như ở xứ sở hoa anh đào. Nấm được trồng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và các chất phụ gia. “Nấm thích nhiệt độ thấp, độ ẩm cao và chịu ảnh hưởng của nồng độ CO2, không chịu ảnh hưởng của ánh sáng” - anh Thiên Anh chia sẻ thêm. 
Được biết, nấm mỡ là sản phẩm đạt tiêu chuẩn Global G.A.P. Để cho ra một sản phẩm nấm chất lượng, đạt yêu cầu đòi hỏi sự kiểm tra khắt khe, kỹ lưỡng ở từng công đoạn.
 


Các thành viên lắng nghe chia sẻ từ doanh nghiệp và tích cực tương tác ở minigame
 
Được mệnh danh là “vua của các loại nấm ăn”, nấm mỡ có thể ăn sống không cần rửa, có thành phần tạo ngọt tự nhiên, dinh dưỡng cao - calo thấp, vừa là rau sạch vừa là thịt sạch. Đây là sản phẩm được thị trường Nhật Bản và Châu Âu ưa chuộng trong đời sống ẩm thực. Sau khi tiếp thu kiến thức công nghệ mới, UEFers đã trực tiếp thưởng thức sản phẩm tại các phòng nấm. Các bạn cảm nhận, nấm có vị ngọt thanh, ăn vào rất bùi, không “nặng” mùi nấm như các loại khác, tạo nên cảm giác dễ chịu. Riêng nấm nâu còn có chút vị của thuốc Bắc. 
Với những kiến thức mới lạ, độc đáo về sản phẩm nấm mỡ công nghệ cao, các thành viên đoàn đã tích cực tham gia vào phần minigame cuối buổi và nhận về phần quà hấp dẫn. Phần quà tặng được đoàn sử dụng làm nguyên liệu cho buổi tiệc ấm áp vào tối cùng ngày. 
Kết thúc buổi buổi tham quan, đoàn di chuyển đến Đà Lạt để chuẩn bị cho hoạt động tiếp theo vào ngày hôm sau. Tối cùng ngày, các thầy cô và sinh viên đã có buổi tiệc thân mật và khoảng thời gian tự do để khám phá những nét đặc trưng của thành phố ngàn hoa.
 



Những khoảnh khắc đáng nhớ của thầy cô và các bạn sinh viên tại Bảo Lộc - Đà Lạt
 

Ngày 10/12: Tìm hiểu quy trình trồng dâu sạch Nhật Bản với hình thức độc đáo

 

Dư âm của ngày tham quan hôm trước vẫn còn, các thành viên đoàn khởi hành đến địa điểm tham quan mới trong trạng thái háo hức, phấn khởi. Cách trung tâm Thành phố Đà Lạt khoảng 15km, trang trại dâu tây của Công ty TNHH MTV Create Star Việt Nam tọa lạc tại thôn Măng Lin. 
 


Sáng 10/12, Đoàn đã có mặt tại điểm tham quan thứ hai
 
Anh Đoàn Đình Duy - Trưởng chi nhánh tại đây cho biết, dâu tây được trồng tại công ty là giống dâu sạch bệnh, được nhân giống từ trang trại của công ty ở Nhật Bản. Mô hình trồng dâu trong nhà kính được trang bị thêm máy đo nhiệt độ cũng hoàn toàn giống với mô hình tại xứ sở hoa anh đào nhằm kịp thời điều chỉnh nhiệt độ trong nhà phù hợp. Các kỹ thuật và công nghệ nuôi trồng được cập nhật liên tục từ Nhật Bản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. 
Theo anh, điểm thuận lợi trong canh tác là giống Nhật Bản khi đưa về Đà Lạt đã nhanh chóng thích nghi khí hậu, thời tiết và phát triển rất nhanh. Tuy nhiên cần phải chú ý ở khâu tưới nước. Nước được sử dụng là nước sạch được điều chỉnh hàm lượng dưỡng chất trong nước, giờ tưới lượng nước phù hợp với cây dâu tây. Dâu được trồng trên các giá thể đất vi sinh, xơ dừa đã được khử trùng. Hiện tại, nông trại cũng đang thử nghiệm giống dâu mới cũng được lai tạo từ xứ sở hoa anh đào - dâu bạch tuyết. 
 



Đoàn lắng nghe chia sẻ từ đại diện trang trại trước khi tham gia thu hoạch dâu
 
Tại trang trại, thầy cô và sinh viên đã được “hóa thân” thành những người nông dân, trải nghiệm thu hoạch và đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn được ra. 
Trong khu vườn rộng lớn, Đoàn tham quan đã được chia thành 3 nhóm với các đề bài: tìm quả dâu có buộc nơ theo đúng màu sắc của team; thu hoạch dâu theo đúng màu sắc, kích thước từ mẫu của phía trang trại và trang trí, đóng gói dâu vừa thu hoạch thành sản phẩm hoàn chỉnh bán ra thị trường. Đó tượng trưng cho một quy trình đưa dâu tây ra thị trường của trang trại. 
Mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng các thầy cô và UEFers đã nhiệt tình tham gia hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ sau gần 1 giờ đồng hồ. Thông qua hoạt động, UEFers đã thể hiện tốt tinh thần đồng đội, sự kết nối cùng mọi người xung quanh. Hơn nữa, hoạt động có sự tham gia của các giảng viên người Nhật Bản. Vì vậy, sinh viên đã được trò chuyện, thuyết minh và hỗ trợ các cô hoàn thành nhiệm vụ, giúp nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp bằng ngoại ngữ. 
 





Các nhóm tích cực hoàn thành đề bài được giao
 
Bên cạnh việc khám phá trang trại, đoàn cũng được thưởng thức những quả dâu tươi do chính mình thu hoạch tại vườn. Ngoài ra, phía trang trại cũng đã chuẩn bị các loại nước sốt: socola, matcha, sữa đặc,... để UEFers thưởng thức kết hợp cùng dâu xiên que. 
Buổi tham quan kết thúc, đoàn bắt đầu di chuyển về lại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt thời gian đó, thầy cô và các bạn sinh viên đã cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, ăn uống và hát hò cùng nhau tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ. 
 




Các nhóm đã xuất sắc hoàn thành thử thách
 
Sau hai ngày trải nghiệm, sinh viên Nguyễn Thị Như Quỳnh - năm 4, ngành Ngôn ngữ Nhật bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia chuyến Company Tour xa như thế này. Chuyến đi này giúp em có thêm nhiều kỷ niệm cùng với thầy cô của mình, đặc biệt là có cơ hội giao tiếp cùng các giảng viên người Nhật Bản cũng giúp em rèn luyện khả năng tiếng Nhật. Bên cạnh đó, em đã học hỏi thêm những kiến thức mới từ doanh nghiệp Nhật Bản”.
“Em thấy khá là vui và thú vị. Khi nhìn vào sản phẩm mình nghĩ nó rất đơn giản nhưng thực ra là phải trải qua nhiều quy trình mà mình không thể ngờ tới được, nhất là nấm. Mặc dù khí hậu, thời tiết và máy móc là những điều kiện cần thiết để nuôi trồng nhưng sự chăm sóc của những người nông dân cũng là điều không thể thiếu để có được sản phẩm chất lượng cho mình sử dụng” - sinh viên Nguyễn Hoàng Hồng Điệp, năm 4 ngành Ngôn ngữ Nhật cho biết. 
Chuyến đi đã để lại nhiều cảm xúc cho các thầy cô cũng như các bạn sinh viên. Tại hai doanh nghiệp đang áp dụng mô hình sản xuất công nghệ cao từ Nhật Bản, UEFers đã được học hỏi những kiến thức hữu ích, tăng cường kỹ năng thực tế về các môn học chuyên ngành. Đồng thời, Company Tour cũng đóng vai trò kết nối, giúp sinh viên tự tin giao tiếp, tương tác cùng các giảng viên Khoa, nhất là giảng viên người Nhật và bạn bè. Từ đó, các bạn đã rèn luyện thêm những kỹ năng cần thiết khi hoạt động tập thể, tích cực học hỏi lẫn nhau, gia tăng hiệu quả trong học tập cũng như các chương trình, sự kiện. 
 
Bài: Quy Nguyễn
Ảnh: Xuân Tú 
TIN LIÊN QUAN