Menu
  
Tin tức sự kiện

UEFers tìm hiểu chính sách mặt hàng và trị giá hải quan

06/03/2023
Tiếp nối buổi học đầu tiên “Cập nhật quy định, chính sách về pháp luật hải quan, phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, phân loại hàng hóa”, tối ngày 4/3, trong khuôn khổ khóa học "Nghiệp vụ hải quan", các bạn sinh viên UEF tiếp tục đến với buổi học thứ 2 với chủ đề “Chính sách mặt hàng, trị giá hải quan” do ThS. Ngô Thị Hồng Tuyên – Cán bộ Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV1 làm diễn giả.
 

Diễn giả mang đến kiến thức thực tế về chính sách mặt hàng và trị giá hải quan cho UEFers
 
Ở buổi học này, diễn giả đã tập trung trình bày và phân tích các vấn đề liên quan đến chính sách mặt hàng như: cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hạng ngạch xuất khẩu, hạng ngạch nhập khẩu,… Đồng thời, diễn giả cũng làm rõ các nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương như: Minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; Thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Theo quy định hiện hành, hàng hóa xuất nhập khẩu được chia thành 4 nhóm: (1) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, (2) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều kiện; (3) Hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; (4) Hàng hóa không thuộc 3 trường hợp trên. Trong đó, mỗi bộ, ban ngành của Việt Nam sẽ đưa ra những chính sách, văn bản, nghị định, thông tư để hải quan dựa vào đó thực hiện kiểm tra hàng hóa khi xuất, nhập khẩu.
 
 
ThS. Ngô Thị Hồng Tuyên phân tích các ví dụ về hàng hóa
 
Hàng hóa xuất khẩu có điều kiện gồm: hóa chất và các sản phẩm có chứa hóa chất, khoáng sản, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp,... Hàng hóa nhập khẩu có điều kiện gồm: hàng hóa cần kiểm soát nhập khẩu theo điều ước quốc tế, hạn ngạch thuế quan: muối, thuốc lá, trứng gia cầm, đường tinh luyện, hóa chất và sản phẩm có chứa hóa chất,...
Liên quan đến trị giá hải quan, diễn giả cho biết đây là trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ cho mục đích tính thuế, thống kê hải quan.  Đối với hàng xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế, phí vận chuyển quốc tế bằng cách áp dụng tuần tự các phương pháp xác định trị giá: giao dịch, giống hệt, tương tự, khấu trừ, tính toán, suy luận.
Còn đối với mặt hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên bằng cách áp dụng tuần tự các phương pháp xác định trị giá: giao dịch, giống hệt, tương tự, khấu trừ, tính toán, suy luận.
 
 
Sinh viên làm bài tập về phương pháp xác định trị giá hàng xuất khẩu có hợp đồng mua bán
 
Buổi học thứ 2 đã khép lại thành công. Những câu hỏi thắc mắc của các bạn sinh viên đã được diễn giả giải đáp chi tiết, qua đó giúp UEFers nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, phục vụ tốt cho công việc sau này.
 
Kim Bằng
Ảnh: Media Team
TIN LIÊN QUAN