Menu
  
Tin tuyển sinh

​Phân biệt ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh thương mại

08/05/2020
Nhiều bạn nghĩ rằng, Kinh doanh quốc tế là việc mua bán trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ qua các quốc gia. Vì thế, Kinh doanh quốc tế cũng giống như Kinh doanh thương mại. Điều khác biệt giữa hai ngành này là yêu cầu ngoại ngữ mà thôi. Điều này có phần đúng nhưng chưa đầy đủ. Để lựa chọn đúng ngành học cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm mong muốn trong tương lai, bạn phải biết phân biệt ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh thương mại. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết 2 ngành này.
 

Hiểu thế nào về ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh thương mại?

 
Mặc dù cả 2 ngành trên đều thuộc lĩnh vực kinh tế, có liên quan đến hoạt động mua bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và trong quá trình học tập sẽ có những môn học giống nhau nhưng mỗi ngành lại có đối tượng nghiên cứu riêng biệt. Cụ thể:
Kinh doanh quốc tế là ngành học cung cấp cho người học những kiến thức chung về quản trị kinh doanh và các kiến thức chuyên môn thuộc lĩnh vực kinh doanh doanh quốc tế như: đầu tư quốc tế, logistic và vận tải quốc tế, thanh toán quốc tế, marketing quốc tế, các chính sách kinh tế đối ngoại chủ yếu hiện nay, cách thức xâm nhập thị trường nước ngoài, những vấn đề về hội nhập kinh tế, đầu tư quốc tế tại Việt Nam,…
Trong khi đó, Kinh doanh thương mại trang bị kiến thức chuyên sâu về hoạt động bán hàng, về xuất – nhập kho hay quản trị hoạt động bán lẻ. Kinh doanh thương mại là ngành học chú trọng nhiều về kỹ năng thực tế hơn là phân tích và tính toán.
Như vậy, Kinh doanh quốc tế rộng và đặc thù hơn Kinh doanh thương mại. Trong đó, Kinh doanh thương mại chỉ tập trung vào các công việc xuất nhập khẩu, các công tác luân chuyển hàng hóa, ngành hàng bán lẻ. Còn Kinh doanh quốc tế sẽ học về việc quản trị những dự án kinh doanh lớn hơn, mang tầm quốc tế, trong đó huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay đầu tư cổ phiếu quốc tế là một ví dụ.
 
Phân biệt kinh doanh quốc tế và kinh doanh thương mại
Thí sinh cần phân biệt 2 ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh thương mại để lựa chọn đúng ngành nghề
 

Sự khác biệt về vị trí việc làm giữa 2 ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh thương mại

 
Tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí công việc như: Chuyên viên nghiên cứu, hoạch định chính sách tại các cơ quan quản lý nhà nước; Chuyên viên nghiên cứu thị trường; Chuyên viên quản lý phân phối; Chuyên viên quản lý thương mại quốc tế; Chuyên gia tư vấn kinh doanh quốc tế; Giảng viên, nghiên cứu viên tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu về lĩnh vực kinh doanh,...
Tốt nghiệp ngành Kinh doanh thương mại, các bạn có thể đảm nhận các vị trí công việc sau: Chuyên viên kinh doanh; Chuyên viên phụ trách xuất – nhập khẩu, quản lí kho bãi; Chuyên viên bộ phận thu mua, bộ phận bán hàng; Chuyên viên chăm sóc khách hàng; Chuyên viên marketing, PR. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham gia giảng dạy, tập huấn về Kinh doanh thương mại,…
Với những thông tin vừa cung cấp như trên, tin rằng các bạn quan tâm đến nhóm ngành kinh doanh, quản lý đã biết cách phân biệt ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh thương mại khác nhau như thế nào. Dựa vào tố chất của bản thân cùng môi trường công việc cụ thể, các bạn có thể đưa ra quyết định chọn lựa ngành học phù hợp nhất với bản thân nhé! Chúc các bạn thành công!
 
Kim Bằng
TIN LIÊN QUAN