Menu
  
Tin tuyển sinh

Ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Tài chính quốc tế có gì khác nhau?

24/03/2021
Trong thời đại hội nhập kinh tế, quá trình luân chuyển tiền tệ cần được vận hành liên tục nhằm đảm bảo hoạt động cho toàn bộ hệ thống nên dù nền kinh tế có phát triển hay khủng hoảng thì cơ hội việc làm của nhóm ngành Tài chính sẽ vẫn luôn rộng mở. Sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng hay Tài chính quốc tế đều có thể khẳng định năng lực với nhiều cơ hội hấp dẫn sau khi tốt nghiệp. 
Tuy nhiên trước bước ngoặt lựa chọn ngành nghề, nhiều bạn trẻ vẫn chưa hình dung được Ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Tài chính quốc tế có gì khác nhau? Chương trình đào tạo ở mỗi ngành ra sao? Vị trí công việc cụ thể của mỗi ngành như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn làm rõ các vấn đề ấy

 

Ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Tài chính quốc tế được hiểu như thế nào? 

 

Để hiểu rõ về sự khác nhau giữa hai ngành học này, trước tiên ta cần tìm hiểu về khái niệm của từng ngành. 
Tài chính - Ngân hàng là ngành học khá rộng, liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch tài chính, lưu thông và vận hành tiền tệ. Cụ thể hơn, Tài chính ngân hàng là kinh doanh về lĩnh vực tiền tệ thông qua ngân hàng và các công cụ tài chính được ngân hàng phát hành nhằm bảo lãnh, thanh toán, chi trả trong nội địa và quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại các ngân hàng, tập đoàn tài chính, công ty chứng khoán, quỹ tín dụng,…
Tài chính quốc tế là ngành học chuyên nghiên cứu về hoạt động đầu tư quốc tế, tỷ giá hối đoái, các thể chế tài chính quốc tế. Khái quát hơn, ngành học này cung cấp bức tranh tổng quan về các mối quan hệ kinh tế nảy sinh giữa các quốc gia, giữa Nhà nước với các công dân nước ngoài, các tổ chức quốc tế, gắn liền với các dòng lưu chuyển hàng hóa và tiền vốn trên thế giới theo những nguyên tắc nhất định.
 
Ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Tài chính quốc tế có gì khác nhau? là thắc mắc chung của nhiều thí sinh

 

Chương trình học của ngành Tài chính - Ngân hàng và Tài chính quốc tế như thế nào? 

 

Cả hai ngành học đều thuộc lĩnh vực Tài chính nên sở hữu nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên ở mỗi ngành sẽ đào tạo chuyên sâu những khía cạnh riêng: 
Ngành Tài chính - Ngân hàng cung cấp kiến thức về quản lý, quản trị tài chính – tiền tệ hiện đại, quản trị tài chính trong doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính phi ngân hàng, các công cụ quản lý rủi ro tài chính,… Bên cạnh đó, sinh viên được cung cấp kiến thức về các quy trình hoạt động tài chính, thống kê, kế toán, thuế, bảo hiểm trong ngân hàng và doanh nghiệp.
Ngành Tài chính quốc tế trang bị kiến thức chuyên sâu về thương mại quốc tế, kinh doanh ngoại hối, thị trường tài chính, quản lý rủi ro tài chính, các chính sách điều chỉnh tỉ giá trong nền kinh tế hội nhập hiện nay. Sinh viên ngành học này còn được chú trọng phát triển năng lực nghiên cứu, hoạch định chính sách, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan.

 

Sự khác nhau về vị trí công việc của ngành Tài chính - Ngân hàng và Tài chính quốc tế 

 

Mỗi ngành có mỗi thế mạnh riêng, từ đó tạo ra nhiều vị trí hấp dẫn chờ đón sinh viên hai ngành: 
Cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng có thể ứng tuyển vào các vị trí sau: 
 
  • Chuyên viên tại các các doanh nghiệp kinh doanh, công ty kiểm toán, quỹ đầu tư, công ty kinh doanh bất động sản, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, chứng khoán,…
  • Chuyên viên tại các ngân hàng thương mại (cán bộ tín dụng, nhân viên kế toán, kế toán viên phòng thanh toán quốc tế, nhân viên kinh doanh ngoại tệ), công ty chứng khoán (nhà môi giới và kinh doanh chứng khoán), tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính ngân hàng và các loại hình doanh nghiệp khác hoặc đảm đương công việc của trợ lý, tư vấn, tham vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức tài chính
  • Giảng viên ngành Tài chính - Ngân hàng tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp
 
Cử nhân ngành Tài chính quốc tế có thể ứng tuyển vào các vị trí sau: 
 
  • Chuyên viên tài chính, quản trị các dự án của ODA, FDI tại ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, các ngân hàng đầu tư
  • Đảm nhận công việc liên quan đến thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, đầu tư tài chính, tín dụng, quốc tế tại ngân hàng thương mại, chứng khoán, bảo hiểm
  • Phụ trách xuất nhập khẩu hoặc quản trị tài chính đa quốc gia tại các doanh nghiệp
  • Thực hiện các nghiệp vụ liên quan tới tài chính, ngân hàng tại các viện nghiên cứu, các bộ và cơ quan nhà nước, chính phủ.
Hiểu rõ ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Tài chính quốc tế có gì khác nhau? các bạn sinh viên có thể chọn cho mình ngành học phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp tương lai. Tại UEF dù các bạn chọn chuyên ngành nào, bạn cũng sẽ được đào tạo trong môi trường quốc tế với chương trình song ngữ, nâng cao kỹ năng tiếng Anh, góp phần mở rộng cơ hội thăng tiến sau này. 
 
Minh Hảo
TIN LIÊN QUAN