Hoạt động sinh viên

Công bố 6 dự án sáng tạo xuất sắc từ hơn 200 sản phẩm dự thi kết thúc học phần PD2

31/01/2024
Tuần qua, Trung tâm Đào tạo thiết kế dự án UEF đã tổ chức buổi công bố các dự án cuối kỳ học phần Project Design 2 (PD2) của 37 lớp với hình thức đánh giá và bình chọn online.
Hơn 200 dự án được các nhóm sinh viên chăm chút, đầu tư từ nghiên cứu ý tưởng cho đến thiết kế poster theo chủ đề "Innovation towards Circular Economy - Phát triển kinh tế tuần hoàn". Dựa theo đánh giá của giảng viên chuyên môn và kết quả bình chọn online, top 6 dự án xuất sắc đã được tìm ra.
 


Poster dự án là "bài thi" đặc biệt của học phần PD2
 

Các poster được xây dựng theo chủ đề "Innovation towards Circular Economy - Phát triển kinh tế tuần hoàn"
 
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường góp phần đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển vì sẽ giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Áp dụng chủ đề “Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn”, UEF thu hoạch hàng trăm dự án sáng tạo, thiết thực và có ý nghĩa.
Top 6 dự án được hội đồng chuyên môn đánh giá cao gồm có:
1. Dự án Ecofiber - Vải thuần chay từ vỏ bã trái cây
Đây là dự án được hướng dẫn bởi giảng viên Lê Hoài. Nhóm sinh viên nghiên cứu sẽ tận dụng nguồn phụ phẩm trái cây sau sử dụng như vỏ và bã trái cây để tạo nên sản phẩm "vải thuấn chay". Với những tính năng vượt trội như thoáng mát, không gây kích ứng da và an toàn cho mọi lứa tuổi sử dụng.
Các bạn cũng đề xuất quy trình cụ thể (6 bước) để có thể tạo ra sản phẩm như sau: 
Bước 1: Nhập nguyên liệu từ các đối tác
Bước 2: Nghiền nhỏ nguyên liệu qua máy nghiền
Bước 3: Tách Cellulose qua máy tách
Bước 4: Máy se sợi tạo ra sợi Cellulose sau khi tách
Bước 5: Làm ẩm sợi Cellulose sau đó tiến hành dệt vải
Bước 6: Thành phẩm EcoFiber thành phẩm
2. Dự án Coral’s Friend - Kem chống nắng thuần chay từ dầu dừa
Coral’s Friend - một dự án dành riêng cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm chống nắng thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ sinh vật biển, đặc biệt là san hô trước hiện tượng bị tẩy trắng do các thành phần hoá học từ kem chống nắng, do khách du lịch sử dụng khi đi tắm biển. Dự án có sự đồng hành và giúp đỡ của giảng viên Nguyễn Thị Lan Chi.
Sản phẩm được làm từ các thành phần tự nhiên từ dừa và bao bì được làm từ tre, là chất liệu có thể phân hủy sinh học, thay thế cho bao bì làm từ nhựa. Dự án Coral's Friend hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng mọi nguồn lực sẵn có và tối ưu hóa chi phí sản xuất. 
Coral's Friend là một dự án không chỉ cung cấp giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường do kem chống nắng mà còn thúc đẩy các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Điển hình là sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, tạo việc làm cho người dân đang bị thất nghiệp và đóng góp một phần lợi nhuận vào các chiến dịch cộng đồng và quỹ bảo vệ môi trường. 
 
Những sản phẩm thuần chay được UEFers nghiên cứu

3. Dự án Solar Energy - Tấm quang năng từ củ quả thối
UEFers nhận thấy tại TP. Hồ Chí Minh, rác thải từ rau củ quả tồn đọng mỗi ngày lên đến hàng tấn. Người dân đang phải đối mặt với vấn đề lớn của lượng rác thải ngày càng tăng. Vì vậy, nhóm sinh viên đã nghiên cứu và cho ra đời dự án Solar Energy không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn tận dụng được nguồn tài nguyên bị lãng phí. Đồng thời giảm thiểu tình trạng thiếu hụt điện trong giờ cao điểm tại thành phố hiện nay.
Solar Energy tận dụng hạt phân tử từ rác thải rau củ quả, kết hợp chúng với lớp nền nhựa tạo thành tấm quang năng chuyển đổi tia UV từ ánh sáng mặt trời thành điện năng. Dự án không chỉ mang lại nguồn năng lượng tái tạo mà còn giảm thiểu áp lực đối mặt với hệ thống điện hiện tại. Được biết, giảng viên Đỗ Quang Dũng đồng hành với nhóm sinh viên trong dự án này.
4. Dự án Renew - Giấy rơm
Dự án Renew sẽ tận dụng nguồn rơm sau mỗi mùa thu hoạch thay vì đốt hoặc bỏ, tránh gây ô nhiễm không khí. Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào và quy trình sản xuất đơn giản, nhóm đã cùng nhau nghiên cứu và cho ra đời dự án đặc biệt này. Renew - Giấy rơm được hướng dẫn bởi giảng viên Hà Lê Thu Hoài. 
Chỉ với 6 bước đơn giản, nhóm có thể cho ra đời những tờ giấy chất lượng:
Bước 1: Thu hoạch rơm
Bước 2: Lọc các tạp chất
Bước 3: Nghiền rơm
Bước 4: Nấu rơm với Hydroperoxide
Bước 5: Cho hỗn hợp vào khuôn
Bước 6: Sấy khô, thiết kế thành phẩm
 
Tận dụng chất thải để chuyển hóa thành năng lượng và các sản phẩm hữu dụng

5. Dự án Natural Tire Oil - Dầu nhiệt phân từ lốp xe thải
Thông qua việc tìm hiểu các thống kê điều tra, nhóm sinh viên nhận thấy lượng lốp xe ô tô, xe máy thải ra rất lớn. Từ đó, nhóm bắt đầu nghiên cứu và cho ra đời dự án natural Tire Oil để giải quyết thực trạng trên. Dự án hướng đến việc nhiệt phân lốp xe để tạo ra dầu phục vụ cho công nghiệp. Dầu từ nhiệt phân lốp xe có độ nhớt, độ chớp cháy tốt. Giảng viên Vũ Hải Yến hướng dẫn nhóm nhóm sinh viên thực hiện dự án này.
6. Dự án Bộ makeup cho trẻ em từ vỏ ốc - Snailsafe 
Snailsafe là dự án đặc biệt nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm hữu dụng từ vỏ ốc - nguồn nguyên liệu dồi dào và có mặt ở khắp bờ biển. Các sản phẩm trang điểm gồm có son môi, phấn mắt, phấn má hồng và phấn nền. Tất cả được chiết xuất Canxi và Protein từ vỏ ốc để làm nguyên liệu sản xuất. Bộ trang điểm đảm bảo an toàn, lành tính cho trẻ em khi sử dụng. Dự án được hướng dẫn bởi giảng viên Đặng Huỳnh Thảo Vi.
 
Các dự án được sinh viên đầu tư công sức và thời gian để nghiên cứu, tìm ra giải pháp

Theo nhận xét từ hội đồng chuyên môn, các dự án trên đáp ứng đúng được chủ đề, mục tiêu và yêu cầu của môn học. Từ đó giúp nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, bước đầu hình thành các ý tưởng sáng tạo góp phần bảo vệ môi trường cũng như đóng góp vào các mục tiêu SDGs.
Bên cạnh đó, top 6 đều là những “công trình” được đánh giá cao về mặt ý tưởng, tính khả thi và giao diện thiết kế poster. Tin rằng, bằng năng lực và trách nhiệm vì xã hội, vì cộng đồng của mình, sinh viên UEF sẽ tìm ra các đơn vị đồng hành cùng dự án, sớm hiện thực hóa ý tưởng, mang lại giá trị tích cực cho môi trường sống hiện nay. 
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN