Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành một trong những lĩnh vực dẫn đầu xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu. Nhằm trang bị cho sinh viên cái nhìn toàn diện về ngành nghề đầy tiềm năng này, đồng thời tạo sân chơi thực tiễn để trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF đã tổ chức workshop “Định hướng nghề nghiệp thương mại điện tử” kết hợp phát động cuộc thi Ecom Challenge 2025.
Sự kiện quy tụ các chuyên gia đầu ngành, mang đến những chia sẻ sâu sắc về xu hướng thị trường, cơ hội việc làm và lộ trình phát triển nghề nghiệp cho thế hệ sinh viên số.
ThS. Trần Thị Mỹ Phượng - Giám đốc Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF trao thư cảm ơn cho diễn giả
Mở đầu chương trình, anh Mã Văn Long - CEO SHOPNOW JSC, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, đã mang đến bức tranh tổng quan về thị trường TMĐT tại Đông Nam Á giai đoạn 2025-2028. Dẫn nguồn từ Bangkok Post, anh cho biết thị trường TMĐT khu vực được dự báo sẽ đạt 325 tỷ USD vào năm 2028, tăng mạnh so với con số 221,6 tỷ USD năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) ấn tượng ở mức 15–25% mỗi năm. Đây không chỉ là tín hiệu cho sự bùng nổ mà còn là lời khẳng định rằng Đông Nam Á đang trở thành “điểm nóng” của TMĐT toàn cầu.
Từ mô hình AIDA (Attention - Interest - Desire - Action), anh Mã Văn Long đưa ra những khuyến nghị thiết thực dành cho học sinh, sinh viên muốn tiếp cận lĩnh vực này. Trong đó, Affiliate Marketing được xem là lựa chọn lý tưởng để bắt đầu với chi phí thấp, ít rủi ro, đặc biệt phù hợp với những bạn chưa từng vận hành các chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số. Song song đó, việc trang bị kỹ năng Digital Marketing, Phân tích dữ liệu (Data Analysis) và Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX/UI) sẽ giúp các bạn trẻ thích ứng nhanh với yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao và có thể phát triển mô hình kinh doanh cá nhân theo hướng Social Commerce đang lên ngôi.
Anh Mã Văn Long chia sẻ về bức tranh toàn cảnh của TMĐT khu vực Đông Nam Á và đưa ra những khuyến nghị hữu ích cho sinh viên
Tiếp nối chương trình, chị Võ Bạch Yến Thu - Brand Marketing & Partnership Manager tại Haravan đã chia sẻ về những cơ hội nghề nghiệp phong phú trong lĩnh vực TMĐT, đặc biệt là mô hình B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp).
Tại các công ty công nghệ TMĐT hiện nay, các vị trí đang mở rộng không chỉ trong mảng tiếp thị như Brand Marketing, Digital Marketing mà còn ở những bộ phận then chốt như Tư vấn (Consulting), Phát triển kinh doanh (Business Development), Thiết kế (Design), Phân tích tăng trưởng (Growth), Quản lý sản phẩm (Product Marketing), Chăm sóc khách hàng (Customer Success), Cải tiến vận hành (Operation Improvement) và đặc biệt là đổi mới sáng tạo (Innovation) kết hợp giữa con người - hệ thống - trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này cho thấy TMĐT không giới hạn chỉ dành cho sinh viên ngành kinh tế hay marketing mà đã trở thành sân chơi rộng mở cho mọi lĩnh vực, miễn là người học có đủ tư duy công nghệ và tinh thần thích nghi.
Phần chia sẻ của diễn giả Yến Thu giúp UEFers hứng khởi với những cơ hội hấp dẫn trong lĩnh vực TMĐT
Trước khi khép lại chương trình, anh Đặng Nghinh Nguyên - Founder cuộc thi Ecom Challenge 2025, đồng thời là CEO công ty DSBF Agency đã chính thức phát động cuộc thi trong năm 2025 này. Cuộc thi hướng đến đối tượng sinh viên từ 18–25 tuổi trên toàn quốc đang có định hướng phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực TMĐT. Ecom Challenge không đơn thuần là một cuộc thi kỹ năng mà là hành trình thực tế để trải nghiệm nghề nghiệp, giúp sinh viên hiểu sâu về công việc, rèn luyện kỹ năng và kết nối với các doanh nghiệp trong ngành.
Tham gia cuộc thi, sinh viên sẽ được huấn luyện chuyên sâu thông qua chuỗi đào tạo thực tiễn như thiết lập và quản lý gian hàng TMĐT từ cách xây dựng gian hàng trên các sàn lớn, TikTok Shop đến quy trình xử lý đơn hàng, quản lý sản phẩm; Kỹ năng livestream bán hàng, hướng dẫn cách lên kịch bản livestream, giữ chân người xem, sử dụng các công cụ hỗ trợ hiệu quả; Sản xuất nội dung video ngắn bao gồm kỹ năng quay, chỉnh sửa và tối ưu video bán hàng trên nền tảng mạng xã hội.
Cuộc thi Ecom Challenge 2025 sẽ là cánh cửa để UEFers chạm ngõ vào lĩnh vực TMĐT đầy tiềm năng
Điểm đặc biệt của cuộc thi là bài thi theo nhóm được xây dựng dựa trên chính các nội dung được đào tạo. Điều này tạo điều kiện để sinh viên vừa học, vừa làm và vừa chứng minh năng lực thông qua sản phẩm thực tế. Ngoài ra, cuộc thi còn là cầu nối để sinh viên tiềm năng được doanh nghiệp nhìn nhận và tuyển dụng, tạo nên mối liên kết bền chặt giữa đào tạo và thị trường lao động.
Sinh viên thể hiện sự quan tâm và mong muốn tìm kiếm cơ hội
Sự kiện lần này đã cung cấp kiến thức thực tế và mang tính cập nhật thể hiện định hướng đào tạo của UEF khi luôn đồng hành với sinh viên trong hành trình nghề nghiệp, kết nối lý thuyết với thực tiễn, đưa sinh viên đến gần hơn với thế giới việc làm thông qua trải nghiệm thực tế. Với sự đầu tư bài bản từ nội dung đến hoạt động đồng hành, Ecom Challenge 2025 cũng hứa hẹn sẽ là một bước đệm vững chắc giúp người trẻ tự tin bước vào thế giới số, làm chủ công nghệ và đón đầu tương lai nghề nghiệp trong lĩnh vực TMĐT.
TT.TT-TT