Menu
  
Tin tuyển sinh

Chọn ngành Quan hệ quốc tế trong xu thế hội nhập, các bạn trẻ cần chú ý những điều gì?

08/05/2020
Với xu thế hội nhập toàn cầu như hiện nay, ngành Quan hệ quốc tế trở thành cái tên “hot” thu hút những bạn trẻ năng động, yêu thích ngoại ngữ lựa chọn. Ngành học này có tiềm năng phát triển như thế nào trong tương lai, tố chất nào phù hợp để theo đuổi ngành Quan hệ quốc tế, chương trình học ra sao,… Những vấn đề xoay quanh ngành học này đã được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình Tư vấn trực tuyến Step up your future với chủ đề “Quan hệ quốc tế - Ngành học hấp dẫn trong xu thế hội nhập” vào tối 7/5 vừa qua.
 
Các chuyên gia trực tiếp chia sẻ về ngành Quan hệ quốc tế trong chương trình

Các chuyên gia tư vấn đồng hành cùng thí sinh trong chương trình gồm: ông Trần Anh Tuấn - Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, TS. Tô Nhi A - Chuyên gia tâm lý, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc - Phó hiệu trưởng - Viện trưởng Viện Quốc tế UEF, TS. Trần Thanh Huyền - Phó Trưởng Khoa Luật và Quan hệ quốc tế UEF, ông Đỗ Thiện - Trưởng Ban đối ngoại quốc tế Báo Pháp Luật TP. HCM.
Ngành học có triển vọng nghề nghiệp rộng mở
Mở đầu chương trình, ông Trần Anh Tuấn – chuyên gia dự báo nguồn nhân lực đã chia sẻ về triển vọng nghề nghiệp của ngành Quan hệ quốc tế hiện nay và trong tương lai. Đây là ngành học có tính chất liên ngành, thuộc lĩnh vực đào tạo người làm công tác đối ngoại. Vì thế, trong xu thế toàn cầu, kết nối bằng khoa học công nghệ, tất cả các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, xã hội đều cần nhân lực làm đối ngoại. Với tầm phủ sóng rộng lớn này, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực ngoại giao, quan hệ quốc tế là rất lớn. Đây là ngành nghề dành cho những con người có sự quyết tâm, năng động và hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xã hội trong thời gian sắp tới.
 
Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ triển vọng nghề nghiệp của ngành Quan hệ quốc tế trong tương lai

Tiếp đó, ông Đỗ Thiện - Trưởng Ban đối ngoại quốc tế Báo Pháp Luật TP. HCM cũng chia sẻ thêm về cơ hội nghề nghiệp của lĩnh vực này. Sinh viên học ngành Quan hệ quốc tế ra trường có thể làm việc trong những lĩnh vực khá rộng như: truyền thông, ngoại giao, nghiên cứu, kinh tế, giải trí,… cả trong và ngoài nước. Cơ hội nghề nghiệp phụ thuộc vào quá trình học tập tại trường, tham gia các hoạt động sinh viên, tự tích lũy kinh nghiệm thực tế cho bản thân. 
 
Ông Đỗ Thiện cho biết sinh viên ngành Quan hệ quốc tế có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau
 
“Đổ nền” vững chắc ngay từ khi bước vào ngành học
Đó là lời khuyên của TS. Tô Nhi A – chuyên gia tâm lý dành cho các bạn sinh viên khi bước vào môi trường đại học. Để tiến vào thị trường lao động một cách tự tin hơn, sinh viên cần trang bị các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp. Học đại học là một quá trình “đổ nền” cho nghề nghiệp trong tương lai. Vì thế trong thời gian này, các bạn cần rèn luyện những nhóm năng lực cốt lõi cho ngành nghề. 
 
Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A: rèn luyện kỹ năng mềm là điều không bao giờ dư thừa

Cạnh đó, bạn nên xác định được mục tiêu, bắt đầu xây dựng hình ảnh cá nhân, mở rộng tri thức để chuẩn bị cho hình trình nghề nghiệp trong tương lai. “Dân quan hệ quốc tế” là những người có thể làm việc trong môi trường rộng mở, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì thế, việc tích lũy kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm luôn là điều không bao giờ dư thừa.
Chọn môi trường song ngữ - tạo nền tảng vững chắc cho nghề nghiệp
Quan hệ quốc tế là một trong những ngành học khá “kén” trường đào tạo. Tại khu vực phía Nam, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) là một trong số ít những trường chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực Quan hệ quốc tế. Với chương trình đào tạo song ngữ, UEF thu hút sinh viên cả trong và ngoài nước theo học ngành Quan hệ quốc tế. 
TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Phó Hiệu trưởng UEF cho biết, năm 2020, Nhà trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển ngành Quan hệ quốc tế cũng như các ngành còn lại tại trường gồm: xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2020 của ĐHQG-HCM, xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét học bạ điểm trung bình 5 học kỳ (2 học kỳ lớp 10, 2 học kỳ lớp 11, học kỳ 1 lớp 12). Với phương thức xét tuyển học bạ, các bạn học sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển từ nay đến ngày 30/6. 
 
TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc thông tin về phương thức tuyển sinh, chính sách học bổng tại UEF

Quan hệ quốc tế là một trong những ngành học xu hướng nhận được học bổng 40% học phí từ quỹ học bổng doanh nghiệp tại UEF. Đây là học bổng được cấp toàn khóa học (4 năm) cho sinh viên trúng tuyển vào ngành Quan hệ quốc tế.
Quan hệ quốc tế - ngành học tôn trọng sự khác biệt
Quan hệ quốc tế là ngành học cởi mở. Theo TS. Trần Thanh Huyền – Phó Trưởng khoa Luật và Quan hệ quốc tế UEF, để học ngành này đòi hỏi sinh viên cần biết tôn trọng sự khác biệt. Học Quan hệ quốc tế, sinh viên được trang bị nhiều kiến thức giao thoa các lĩnh vực khác nhau: văn hóa, chính trị, pháp luật, xã hội,… của nhiều quốc gia. 
 
Những thông tin về môi trường học tập, chương trình đào tạo, hoạt động sinh viên ngành Quan hệ quốc tế UEF được TS. Trần Thanh Huyền chia sẻ tại chương trình

Tại UEF, sinh viên được đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Anh, trải nghiệm nhiều hình thức học tập đa dạng như: phương pháp học role-play, mô hình giả định, các buổi workshop chia sẻ kiến thức, kỹ năng. Cạnh đó, các bạn còn thường xuyên được tham gia các chương trình giao lưu với sinh viên quốc tế, xuất ngoại học tập, giao lưu ngắn hạn. Nhà trường luôn tạo môi trường hoạt động sinh viên đa dạng, thành lập các câu lạc bộ học thuật giúp các bạn sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế và rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết cho ngành nghề. 
Chương trình được phát sóng trực tiếp trên Fanpage Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) và Fanpage Báo Giáo dục TP.HCM. Quý phụ huynh và các bạn thí sinh quan tâm chủ đề này có thể xem lại toàn bộ nội dung buổi tư vấn TẠI ĐÂY.
Chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến Step up your future sẽ được phát sóng vào lúc 19 giờ thứ Năm hằng tuần, kính mời quý phụ huynh và các bạn thí sinh đón theo dõi.
 
 
Tin: Quyền Cương, ảnh: Đức Huy
TIN LIÊN QUAN