Menu
  
Hoạt động sinh viên

Business Ideas 2017: Cùng gặp gỡ những “nhà sáng tạo” trẻ

24/05/2017
Chỉ còn ít ngày nữa, Vòng Chung kết cuộc thi Ý tưởng kinh doanh - Business Ideas 2017 của sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF) sẽ chính thức khởi tranh. 5 thí sinh – nhóm thí sinh cùng những đề tài xuất sắc của mình đã chuẩn bị những gì để chinh phục Ban giám khảo? Cảm nhận, suy nghĩa của “những người trong cuộc” về sân chơi học thuật này như thế nào? Hãy cùng trò chuyện với những “nhà sáng tạo” trẻ của UEF trước giờ G nhé các bạn!
Trước tiên, chúc mừng các bạn đã lọt vào vòng Chung kết cuộc thi. Động lực – “chất xúc tác” nào đã khiến nhóm đưa ra ý tưởng kinh doanh này?
Ý tưởng “Ghép yêu thương” được hình thành từ việc nhóm nhận thấy những tác hại nhất định của việc những người trẻ, kể cả trẻ em cũng “nghiện” game. Các bậc phụ huynh cũng nan giải trong vấn đề làm thế nào để con, em tránh xa games. Đó là mục tiêu nhóm xây dựng ý tưởng của đề tài “Ghép yêu thương”. Qua đây, cha mẹ có thể chơi cùng con và để tạo sự thu hút với con trẻ nhóm lồng ghép vào đó các hình ảnh trò chơi nhân gian, hình ảnh IQ phù hợp với từng lứa tuổi. Ngoài ra, nhóm cũng lồng ghép nội dung học tập tiếng Anh qua các hình ghép này để gây hứng thú cho người chơi theo tiêu chí vừa chơi vừa học tiếng Anh. (Nhóm thí sinh: Phạm Văn Hoàng, Trần Thị Trang, Ngô Thị Ngọc Anh)
 
Business ideas thí sinh
Nhóm tác giả của đề tài “Công ty TNHH MTV Ghép Yêu Thương”
 
Riêng với nhóm “Happy Family Games and Apps”: Thời hiện đại, game và các hình thức giải trí khác trên tablet, iPad, smartphone dần thay thế các trò chơi dân gian. Trẻ em dần trở thành “nô lệ” cho các thiết bị thông minh của thế giới phẳng. Liệu bố mẹ chúng có bao giờ lo lắng rằng không biết con em mình đang chơi trò chơi gì? có mang an toàn hay không? Nguy hiểm hơn là các em đang trong giai đoạn lớn các em luôn tò mò về giới tính mà internet thì chỉ cần 1 cú click chuột có thể cho thấy hàng loạt những thông tin “đen”. Nhìn trước được rằng trong tương lai gần chắc chắn phụ huynh sẽ cần công cụ hay 1 phần mềm nào đó giúp họ vừa quản lý con cái mà không khiến con em trở nên tách biệt hoàn toàn với xã hội thông qua những cái máy thông minh. Vì vậy nhóm chúng em đã nghĩ đến sự ra đời của ứng dụng di động giúp phụ huynh có thể an tâm về việc giải trí của trẻ (Nhóm thí sinh Hoài Khanh, Minh Châu)
 
Xuất phát từ tình cảm dành cho cô em nhỏ của mình, bạn Nguyễn Thanh Thiên chia sẻ: Động lực của em là niềm khao khát được khởi nghiệp và thành đạt bằng chính hai bàn tay của mình. Sản phẩm em mang đến cuộc thi là "Gối thông minh phát hiện sốt ở trẻ em". Cá nhân em cũng có một đứa em gái, lúc nhỏ em ấy hay bị sốt vào ban đêm và nhiều khi ba mẹ hay cả em cũng không phát hiện được ra. Sản phẩm này hy vọng phần nào giúp người tiêu dùng đặc biệt là các bậc cha mẹ sẽ yên tâm hơn khi con ngủ, trách trường hợp xấu liên quan đến sức khỏe của các bé khi ngủ có thể xảy ra.
 Business ideas thí sinh 1
Thí sinh Nguyễn Phúc Sang trình bày ý tưởng “Nón làm từ xơ dừa” tại Vòng Bán kết
 
Với đề tài “Nón làm từ xơ dừa”, bạn Nguyễn Phúc Sang bộc bạch “Bến Tre nổi tiếng là tỉnh trồng dừa nhiều nhất nước ta. Hầu như mọi thứ từ cây dừa đều có thể tận dụng được. Nhưng mỗi khi đến mùa thu hoạch Xơ dừa là phần phế phẩm bị thải ra môi trường vừa làm ứ đọng kênh rạch vừa mất mỹ quan mà còn tạo điều kiện cho bệnh dịch sinh sôi. Ngoài ra, gia đình em hiện cũng là doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Từ đó em mới lóe lên suy nghĩ tại sao ta không thể tận dụng xơ dừa để tạo ra một dòng sản phẩm mới - Nón xơ dừa."
 
Các bạn cảm thấy mình “được” gì khi tham gia cuộc thi này?
Cái "được" đầu tiên là cuộc thi đã giúp chúng em nhìn thấy một tập thể năng động, sáng tạo, cháy hết mình vì đam mê. Được thể hiện bản thân, được cùng nhau làm việc trong một tập thể nhiệt huyết, những cộng sự tuyệt vời. Và cái "được" quan trọng nhất  là được tiếp xúc học hỏi các thầy cô, các chủ doanh nghiệp các "tiền bối" đi trước, được nhìn thấy sự hạn chế của bản thân, những tiếu sót mà chính bản thân không nhìn ra. Đó là những bài học giá trị bổ sung vào hành trang khởi nghiệp sau này của thí sinh tham gia cuộc thi này nói riêng và của sinh viên UEF nói chung. (Nhóm thí sinh: Phạm Văn Hoàng, Trần Thị Trang, Ngô Thị Ngọc Anh)
 Business ideas thí sinh 4
Thí sinh Nguyễn Thanh Thiên với đề tài "Gối thông minh phát hiện sốt ở trẻ em”
 
Em nghĩ bất kỳ ai khi tham gia cuộc thi nào cũng mong muốn đạt giải cao. Nhưng đó không hẳn là lý do duy nhất mà nhóm em đến với cuộc thi. Mà qua đó em cảm thấy mình trưởng thành hơn, học hỏi nhiều hơn từ các anh chị đi trước, giúp nhóm em có sự trải nghiệm thật sự và hiểu hơn về các lĩnh vực thuộc chuyên ngành của mình kể cả chuyên ngành khác nữa. Bản thân em nghĩ chẳng có cuốn sách nào có thể dạy mình được những kinh nghiệm thực tế. (Nhóm thí sinh Hoài Khanh, Minh Châu)
 Thí sinh Chung kết ý tưởng kinh doanhĐại diện nhóm "“Happy Family Games and Apps” trình bày ý tưởng trước Ban giám khảo
  
Khi tham gia cuộc thi này em đã được học hỏi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm của các thầy cũng như các chủ doanh nghiệp. Cuộc thi này cũng là cơ hội rất tốt để em có dịp cọ xát và thử thách bản thân trước khi bước ra một thực tế giàu tính cạnh tranh ngoài kia. (Thí sinh Nguyễn Thanh Thiên)
 
Tham gia cuộc thi này, em cảm thấy mình trưởng thành hơn. Cuộc thi này đã giúp em có thể “Nghĩ lớn” và có điều kiện thực hiện ước mơ kinh doanh của mình. (Thí sinh Nguyễn Phúc Sang)
 
Cảm ơn các bạn về cuộc trò chuyện thú vị này, chúc các bạn sẽ thi thật tốt, “rinh" giải cao và thành công với những ý tưởng khởi nghiệp của mình!
 
Phát triển từ cuộc thi CEO tiềm năng, Business ideas 2017 là sân chơi học thuật góp phần khơi nguồn sáng tạo cho sinh viên UEF – những người trẻ đang ấp ủ cho bản thân bao dự định khởi nghiệp, nuôi lớn đam mê kinh doanh và mong muốn khẳng định bản thân với ngành học mà mình đã chọn lựa. Cuộc thi do Khoa Quản trị Kinh doanh kết hợp cùng Đoàn trường tổ chức.
Vòng Chung kết cuộc thi chính thức diễn ra vào sáng 27/5 tại Hội trường lầu 16 UEF.

 

Thực hiện: Trần Hà, Ảnh: NVCC, Nguyên Võ
TIN LIÊN QUAN