Menu
  
Tin tức sự kiện

Khép lại khóa huấn luyện kỹ năng nghề du lịch với 2 chuyên đề về giao tiếp và định vị bản thân

13/12/2021
Tiếp nối các chủ đề của khóa huấn luyện nghề du lịch cho sinh viên khoa Quản trị du lịch – Khách sạn, vào sáng 12/12, chuyên đề 5 “Kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hóa” và chuyên đề 6 “Định vị bản thân và trách nhiệm trong nghề du lịch” đã được triển khai với nhiều kiến thức bổ ích từ chuyên gia. 
Diễn giả của 2 chuyên đề là anh Nguyễn Trung Nam – Hướng dẫn viên du lịch quốc tế inbound và outbound, anh Võ Văn Phong – Cựu hướng dẫn viên Công ty Saigontourist, chị Khúc Thị An Hà – Công ty du lịch Thương hiệu Việt. 
 



Các diễn giả chia sẻ trong 2 chuyên đề vào sáng 12/12 
 
Trong chuyên đề “Kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hóa”, anh Trung Nam đã chia sẻ cho các bạn sinh viên đặc điểm của khách du lịch theo từng khu vực như châu Âu, châu Á, đặc biệt là nhóm khách “khó tính” người Ấn Độ để hướng dẫn viên có thể giao tiếp và làm việc thuận lợi hơn. 
Với khách du lịch châu Âu, họ thường thích lịch trình rõ ràng, chính xác, logic và cực kỳ đúng giờ; tôn trọng pháp luật; không thích những câu hỏi về đời tư; thích các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; thích tìm hiểu, khám phá, thích sự trải nghiệm. 
Trong khi đó, khách du lịch châu Á thường thích đến đình, chùa, miếu, thánh đường; thích những nơi ồn ào, náo nhiệt, sang trọng; thích mua sắm nhưng tiết kiệm trong tiêu dùng; thích “xem” hơn tìm hiểu. 
 
 



Những đặc điểm của khách du lịch theo khu vực được diễn giả chia sẻ 
 
Đặc biệt, đối với khách du lịch “khó tính” là người Ấn Độ, diễn giả cho biết hướng dẫn viên nên lưu ý đến văn hóa của người Ấn Độ để tránh hành động khiến du khách khó chịu như dùng tay xoa đầu trẻ em, chạm vào người khác bằng tay trái, “liếc mắt” với người khác giới,… 
Khi làm việc trong nghề du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên, việc tiếp cận môi trường đa văn hóa và giao tiếp với nhiều người ở các quốc gia khác nhau là điều hiển nhiên. Để làm việc hiệu quả và tránh rủi ro, hướng dẫn viên cần tìm hiểu sự khác biệt về văn hóa, chọn cách ứng xử phù hợp với nguyên tắc “Nhập gia tùy tục” và rèn luyện khả năng ngoại ngữ. 
Về vấn đề định vị thương hiệu bản thân trong nghệ du lịch, anh Văn Phong và chị An Hà cho biết trước tiên các bạn cần xác định mục tiêu nghề nghiệp và định hướng lựa chọn công việc phù hợp. 
 
 
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng thương hiệu cá nhân trong nghề du lịch 
 
Bên cạnh đó, để sinh viên phân biệt nghề hướng dẫn viên inbound và outbound, diễn giả đã chỉ ra đặc điểm của hai khái niệm này. Trong đó, hướng dẫn viên inbound là hướng dẫn khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch và lưu trú trong thời gian ngắn, hay người Việt định cư ở nước ngoài hồi hương thăm quê. Còn hướng dẫn viên outbound là hướng dẫn du khách sinh sống ở một quốc gia nào đó, muốn ra nước ngoài để du lịch, vui chơi, khám phá,…
Để phát triển bản thân trong nghề du lịch, các bạn cần có khả năng ngoại ngữ tốt và kỹ năng thích nghi môi trường đa văn hóa. Điều này tạo tiền đề xây dựng thương hiệu bản thân trong nghề du lịch khi các bạn đã có đầy đủ kiến thức, phong cách riêng ấn tượng và kinh nghiệm xử lý tốt các vấn đề. 
Sau khi tham gia khóa huấn luyện với các chuyên đề, vào ngày 19/12 sắp tới, sinh viên sẽ tham gia thi thực hành. Buổi tổng kết bế mạc khóa tập huấn và trao giấy chứng nhận, khen thưởng cũng sẽ diễn ra cùng ngày. 
 
Nguyên Lê 
TIN LIÊN QUAN