Menu
  
Tin tuyển sinh

Tân học viên “đặc biệt” của UEF: Việc học là một quyển sách không có trang cuối cùng!

24/12/2020
Từ những ngày đầu ôn tập cho đến kỳ thi cao học, ai nấy đều ấn tượng với “thí sinh” tóc đã bạc phơ, khuôn mặt hiền hậu nhưng rất đỗi tinh anh, luôn ngồi bàn đầu và tích cực phát biểu xây dựng bài.
Đó là tân học viên cao tuổi nhất của UEF tính đến thời điểm hiện tại – ông Trịnh Đức Chinh. Trúng tuyển vào chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh ở tuổi “thất tuần”, ông góp phần lan tỏa thông điệp ý nghĩa về học tập.
Cùng lắng nghe, cảm nhận những giá trị đẹp từ chính câu chuyện chia sẻ gần gũi của học viên “đặc biệt” này.
 
chú Đức Chinh
chú Đức Chinh 2
 Tân học viên Trịnh Đức Chinh trong ngày khai giảng khóa học
 
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Vác Xô Vi - Ba Lan với bằng Thạc sĩ Vô tuyến điện  tháng 10/1975, tôi được nhận công tác tại Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải từ năm 1976. Làm việc ở nhiều vị trí của ngành và với vị trí Phó Cục Trưởng kiêm Giám đốc Chi Cục Đăng kiểm số 6 từ 2001 tới khi nghỉ hưu (năm 2010).
Tôi cũng đã tốt nghiệp đại học ngành Vỏ tàu thủy hệ tại chức khoá 1982-1987, Trường Đại học Hàng hải. Từ năm 1991-2015, tôi có tham gia giảng dạy cho Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM và sau khi nghỉ hưu học thêm 2 bằng đại học chuyên ngành Kế toán tài chính và Luật.

Tôi biết đến chương trình tuyển sinh cao học của UEF qua thông tin trang web của trường. Sau thời gian tìm hiểu, tôi quyết định chọn học bởi đội ngũ giảng viên của UEF tâm huyết, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tế, nhuần nhuyễn trong giảng dạy, thân thiện và gần gũi với học viên, môi trường học tập năng động và mang đậm tính nhân văn. Hơn nữa, trường tọa lạc ở địa điểm gần nhà, rất thuận lợi cho việc di chuyển.
 


Ông được Nhà trường khen thưởng vì sự nỗ lực học tập của mình
 
Có thể mọi người khá bất ngờ với sự xuất hiện của tôi trong lớp học. Song, tôi tâm niệm, ngày nay hầu như ai cũng cần có công ăn việc làm và việc học tập là một điều kiện không thể thiếu được. Học tập là một quá trình dài, là một cách để con người tiếp cận tri thức, nâng cao trình độ, mở mang trí óc để khám phá những điều hay lẽ phải.
Học tập là việc cần thiết suốt đời bởi tri thức nhân loại là một kho tàng vô cùng phong phú, nó như biển cả mênh mông mà sự hiểu biết của con người chỉ có mức độ. Nếu chúng ta ngừng học tập thì sẽ bị lạc hậu, thụt lùi, không đảm đương được các công việc được giao, không hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.
Trong góc nhìn của người về hưu như tôi, không ngừng học tập thì mới trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội. Có câu danh ngôn: "Đường đời là một chiếc thang không có nấc chốt và việc học là một quyển sách không có trang cuối cùng". Vì thế học sẽ không bao giờ là đủ và học tập là một việc vô cùng cần thiết đối với cuộc sống ngày càng phát triển như hiện nay.
Học là để trưởng thành, để hoà nhập với cuộc sống văn minh, có khả năng thích ứng với những tiến bộ khoa học.
Tất nhiên, là một học viên U70 như tôi, quá trình học tập cũng sẽ gặp phải những khó khăn. Ở độ tuổi nhớ nhớ, quên quên này, tôi có thể vẫn nhớ những gì rất lâu của quá khứ nhưng có thể quên ngay những gì vừa xảy ra. Khả năng tiếp thu kiến thức không còn nhanh nhạy như trước cũng như vấp phải hạn chế về sức khỏe.
Thế nhưng với sự cố gắng “vượt lên chính mình”, tôi tin tôi sẽ chiến thắng những trở ngại tuổi tác để hoàn thành thêm một cột mốc mới trên chặng đường học tập của mình!”

Động lực tiếp nhận kiến thức qua con đường học tập này của ông sẽ mở ra một không khí học tập không ngừng đối với lớp trẻ ngày nay.
 
Tin: An Du
Ảnh: Thế Thăng
TIN LIÊN QUAN