Menu
  
Tin tức sự kiện

Sinh viên Công nghệ thông tin cập nhật thêm kiến thức về an toàn và bảo mật thông tin thời 4.0

19/04/2021
Vừa qua, khoa Công nghệ thông tin UEF đã tổ chức buổi báo cáo chuyên đề “An toàn và bảo mật trong thương mại điện tử” nhằm cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức liên quan đến lĩnh vực an ninh mạng cho sinh viên. 
Chia sẻ với sinh viên Nhà UEF trong chương trình là ThS. Trần Tuấn Dũng – CEO Công ty cổ phần Vietnoval. Bằng những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân trong lĩnh vực an toàn, bảo mật thông tin, diễn giả đã mang đến cho sinh viên nhiều thông tin bổ ích và thực tế. 
 
 Diễn giả Trần Tuấn Dũng chia sẻ cùng UEFers vấn đề an toàn và bảo mật trong thương mại điện tử trong thời đại 4.0

Mở đầu buổi báo cáo, khách mời đã đưa ra những số liệu thống kế của temok.com và JPMorgan về sự ảnh hưởng của việc bị tấn công mạng, đặc biết nhấn mạnh những thiệt hại đối với từng cá nhân và doanh nghiệp. Theo đó, cá nhân người bị tấn công sẽ bị mất thông tin, dữ liệu, thời gian, tiền bạc và đặc biệt là niềm tin. Còn đối với các doanh nghiệp sẽ bị gián đoạt hoạt động, tăng chi phí, mất uy tín, mất khách hàng, đối tác, doanh thu suy giảm và nguy cơ đối mặt các vấn đề pháp lý.
Theo ông Trần Tuấn Dũng, các đối tượng xấu có thể thực hiện hành vi tấn công bằng nhiều hình thức như: Financial Frauds - lợi dụng lỗ hổng bảo mật hoặc lỗ hổng vận hành của các trang thương mại điện tử nhằm kiếm lợi bất chính, spam - gửi nhầm còn hơn bỏ sót, phishing - lừa đảo, giả mạo doanh nghiệp gửi mail cho khách hàng và yêu cầu khách hàng thực hiện hành động, Brute Force Attacks – Password Cracking - vét cạn các mật khẩu yếu hoặc XSS, SQL Injection, CSRF - các lỗ hổng bảo mật web phổ biến trong top 10 OWASP (Open Web Application Security Project).
 
Nhiều kiến thức bổ ích đã được truyền tải đến sinh viên

Bên cạnh đó, diễn giả đã đưa ra các biện pháp nhằm giúp sinh viên phòng tránh, ngăn chặn được những rắc rối này. Cụ thể, các bạn cần kiểm tra thiết bị đã bị root/jailbreak hay không, không cài đặt ứng dụng từ Third Party, kiểm tra nhà phát hành ứng dụng, kiểm tra Permission khi cài App, cảnh giác khi sử dụng các ứng dụng miễn phí, cài đặt System Security ở chế độ mặc định (recommend). Sinh viên cũng nên cài đặt một phần mềm Antivirus uy tín, luôn cập nhật phiên bản mới nhất, bật chế độ Xác thực 2 yếu tố (2-Factor Security), đặt mật khẩu đủ mạnh và khác nhau cho mỗi tài khoản.
 

 Sinh viên chăm chú lắng nghe những chia sẻ từ diễn giả

Đồng thời, cuối buổi báo cáo, diễn giả đã lưu ý thêm đến sinh viên những yếu tố khác để giúp dữ liệu cá nhân được an toàn và bảo mật hơn: Luôn khóa điện thoại, luôn nhớ mã IMEI và bật chế độ tìm kiếm điện thoại, không dùng điện thoại của người khác, khi bỏ (hoặc cho) điện thoại cũ, hãy nhớ xóa sạch mọi thứ, luôn cập nhật phần mềm mới và lưu dự phòng (backup) dữ liệu, hạn chế dùng wifi công cộng hoặc các wifi lạ, không vào các website “độc”, không cài đặt và sử dụng các ứng dụng “độc”, không rõ nguồn gốc, logout tài khoản và sau đó đổi mật khẩu nếu bắt buộc phải đăng nhập vào thiết bị lạ.
 

Các bạn sinh viên đặt ra nhiều câu hỏi cho diễn giả, thể hiện sự quan tâm của mình đến chủ đề chương trình
 
Với những chia sẻ hữu ích từ khách mời, sinh viên khoa Công nghệ thông tin đã được củng cố và nâng cao kiến thức về an toàn, bảo mật thông tin. Qua đây, mỗi sinh viên sẽ có tinh thần cảnh giác cao, chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp để tự bảo vệ bản thân hoặc tổ chức, doanh nghiệp trước những ý đồ tấn công mạng. 
 
Tin: Quy Nguyễn, ảnh: Hồng Quân
TIN LIÊN QUAN