Menu
  
Tin tức sự kiện

Tài năng, đam mê khởi nghiệp của sinh viên UEF tiếp tục được lan tỏa đến cộng đồng

17/02/2020
Câu chuyện bảo vệ môi trường và vấn đề rác thải nhựa hiện đang là đề tài “nóng” được cộng đồng quan tâm trong thời gian qua. Đã có nhiều biện pháp đưa ra nhằm giảm tải tình trạng này như: sử dụng ống hút làm bằng gạo, tre; sử dụng bình, ly cá nhân khi uống nước, sử dụng túi vải,... Những ngày gần đây, cộng đồng mạng lại tiếp tục xôn xao với câu chuyện sản phẩm Bao bì tự hủy từ củ khoai tây bảo vệ môi trường của hai bạn sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF). 
 
 
Dự án khởi nghiệp sản phẩm bao bì từ củ khoai tây của sinh viên UEF xuất hiện trên kênh HTV7

Với mong muốn tạo ra sản phẩm góp phần thay thế bao bì nhựa đang được dùng hiện nay, hai bạn sinh viên UEF là Nông Văn Phước và Đặng Nguyễn Xuân Trọng đã cho ra đời sản phẩm mới từ tinh bột khoai tây - nguyên liệu quen thuộc, thân thiện với môi trường. 
Sản phẩm đã thành công bước đầu và được khẳng định tại các cuộc thi khởi nghiệp lớn như: Top 10 cuộc thi Creative Idea Contest - CiC 2019, vào vòng chung kết cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2019. Sản phẩm cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng, được các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, VOH đưa tin và khuyến khích phát triển. 
 
 
Sinh viên UEF thuyết trình về sản phẩm tại cuộc thi CiC 2019 
 
Xuất hiện trong chương trình Cuộc sống và những điều kỳ diệu của kênh truyền hình HTV7 trong những ngày đầu năm 2020, sinh viên UEF đã tiếp tục “truyền lửa” khởi nghiệp đến với cộng đồng, nhất là các bạn trẻ "dám nghĩ - dám làm". 
Chia sẻ về sản phẩm này, bạn Nông Văn Phước cho biết: “Xuất phát từ ý nghĩa tích cực về vấn đề xử lý rác thải nhựa, nhóm mình mong muốn tìm kiếm vật liệu để chế biến ra bao bì bảo vệ môi trường, thay thế cho loại bao bì nilon đang dùng. Trong một lần thấy bạn bè ăn bánh tráng trộn thì nhóm nảy ra ý tưởng. Từ đó, nhóm đã nghiên cứu tạo ra những sản phẩm là bao bì hoàn toàn từ tinh bột, có khả năng phân hủy nhanh và thân thiện với môi trường.” 
Trải qua nhiều lần thử nghiệm với các vật liệu khác nhau như: tinh bột ngô, tinh bột sắn, bột gạo,… các bạn đã nhận thấy tinh bột khoai tây là phù hợp với yêu cầu của sản phẩm. Nhóm sinh viên UEF này còn phát triển chế phẩm của mình thành các sản phẩm thiết thực nhằm thay thế vật dụng bằng nhựa dùng 1 lần như: bao bì, muỗng, chén,… 
 

Các sản phẩm được tạo hình từ tinh bột khoai tây

Nói về tính phân hủy nhanh của sản phẩm, bạn Đặng Nguyễn Xuân Trọng tự hào chia sẻ: “Có những đồ dùng làm từ polime chỉ sử dụng trong 5 phút nhưng cần đến 500 năm để phân hủy, đó là điều chúng ta phải suy nghĩ. Sản phẩm của chúng mình có thể phân hủy trong vòng 3 - 5 tháng sau khi sử dụng xong. Thời gian phân hủy của bao bì được làm từ tinh bột nhanh hơn gấp nhiều lần so với những loại bao bì có trên thị trường hiện nay”.
Với sản phẩm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường cùng đam mê khởi nghiệp của tuổi trẻ, sinh viên UEF đã viết nên những câu chuyện đẹp và bước đầu đặt nền móng cho sự thành công trong tương lai. Xin chúc các bạn sẽ sớm đưa sản phẩm phổ biến rộng rãi hơn nữa với người tiêu dùng và hoàn thành giấc mơ khởi nghiệp của mình.
 
Quyền Cương
TIN LIÊN QUAN