Menu
  
Tin UEF

Giao lưu sinh viên quốc tế_Innovation 2010

10/04/2010

I) Chúng ta đang ở đâu?
Trong tháng 3 vừa qua, sự quan tâm tạo điều kiện của Hội đồng quản trị- Ban giám hiệu và các thầy cô UEF đã tạo cơ hội cho 4 sinh viên UEF tham dự chương trình INNOVATE 2010. Chương trình INNOVATE được tổ chức thường niên bởi nhóm các trường đại học Mỹ mang tên National Science Foundation Partnership for International Research and Education Grant, được tài trợ bởi Rice University1 and the University of Tulsa2. Innovate là hội nghị được tổ chức cho sinh viên nghiên cứu mối liên hệ về công nghệ, toàn cầu hóa và khả năng lãnh đạo. Sinh viên tham gia các cuộc gặp mặt, thảo luận với các học giả, doanh nghiệp, quan chức chính phủ,…tham quan các công ty nổi tiếng và các chuyến du lịch văn hóa trong năm ngày tại 2 nước Châu Á. Các sinh viên trên toàn thế giới có cơ hội giao lưu, học hỏi, phát triển chuyên môn cũng như nghề nghiệp.

Chương trình này nhằm tạo cơ hội cho sinh viên các nước Mỹ, Nhật, Đài Loan, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc… gặp gỡ, giao lưu với nhau, nhất là các sinh viên trong chuyên ngành kỹ thuật. Bên cạnh 2 trường Rice University và the University of Tulsa còn có sự tham gia của sinh viên 70 trường đại học khác đến từ Mỹ như University of Pittsburgh3, Georgia Institute of Technology4 và các trường đại học Châu Á như National University of Singapore, Hokkaido University, American University of Beirut, Đại học Keio Tokyo, IAESTE Japan, Đại học quốc gia Singapore ,… INNOVATE đã được tổ chức ở những nước như Vietnam – Singapore (2008), Vietnam – Taiwan (2009), Vietnam – Taiwan (2010). UEF là trường đại học duy nhất tại Việt Nam tham gia INNOVATE 2010.

————————————————————————————-
1 Đại học Rice được thành lập 1912 và là một trong 20 Đại học hàng đầu ở Mỹ về giảng dạy, top 10 đại học về nghiên cứu và đoạt 2 giải Nobel về hóa học.
2 Đại học Tulsa được thành lập 1894. Đại học Tulsa được tạp chí Tài Chính Kiplinger Kiplinger’s Personal Finance) đánh giá là một trường những trường tư thục chất lượng tốt nhất.
3 Đại học Pittsburgh thành lập 1787 và đứng top 10 về thu hút nghiên cứu. Sinh viên trường luôn đạt nhiều học bổng nổi tiếng như Rhodes, Marshall v.v. Đại học Pittsburgh xếp thứ 12 về y khoa ở Mỹ và là một trong những trường đại học được Viện Y Tế Quốc gia tài trợ nhiều nhất.
4 Học viện Công Nghệ Georgia (Georgia Institute of Technology) đứng vị trí thứ 4 ở Mỹ theo báo cáo của US News and World Reports.
 

TS. Huỳnh Bá Lân (Chủ tịch Hội đồng quản trị UEF) và ông Michalak (Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam)

INNOVATE là chương trình hội thảo chuyên đề dành cho sinh viên chưa tốt nghiệp (năm 3 – năm 4) và sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật như là một dịp kiểm chứng mối liên hệ giữa kỹ thuật công nghệ, toàn cầu hóa và trình độ lãnh đạo trong thời buổi thị trường hiện nay. Tham gia chương trình, sinh viên có cơ hội đến giao lưu, tham quan, tìm hiểu các công ty, tập đoàn nổi tiếng như Intel Vietnam, Công viên Công nghiệp Việt Nam – Singapore, Tập đoàn Phú Mỹ Hưng ở Việt Nam và K-Laser, National Cheng Kung University, Industrial Technology Research Institute ở Đài Loan được nghe chính cấp quản lý của các công ty giới thiệu, trình bày về công ty của mình như sản phẩm, kế hoạch chiến lược, cơ cấu…được tham quan tận mắt quy trình sản xuất của các công ty. Đây thực sự là một cơ hội rất tốt để sinh viên có những trải nghiệm bổ ích và thực sự mỗi sinh viên sau chuyến đi đều có những gặt hái riêng cho bản thân, được trưởng thành hơn cũng như có một tầm nhìn rộng mở hơn về thế giới bên ngoài. Người Việt Nam ta có câu: đi một ngày đàng học một sàng khôn, chỉ một chuyến đi ngắn (5 ngày ở Việt Nam và 5 ngày ở Đài Loan) cũng có thể tạo cho ta một cái nhìn khái quát về hiện tại: ta đang ở đâu, họ đang ở đâu. Đất nước chúng ta với khoảng 86 triệu dân trong khi đó GDP đầu người chỉ đạt khoảng 1.000$, Đài Loan dân số khoảng 23 triệu trong khi GDP đầu người đạt khoảng 30.100$. Thành phố Đài Bắc của họ dân số chưa đầy 3 triệu người, con số không quá lớn khi so sánh với Thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta (xấp xỉ 10 triệu người); tuy nhiên, thành phố này thực sự là một thành phố lớn, cơ sở hạ tầng hiện đại và sạch sẽ, thực sự là ta lạc hậu nhiều so với họ. Một vài thông tin chia sẻ trên có thể giúp chúng ta hình dung phần nào mức độ phát triển của chúng ta đối với họ
 

Sinh viên UEF tham gia Innovate 2010 tại Đài Loan

II) Góc nhìn INNOVATE

Sau đây là một số quan điểm dưới góc nhìn của một sinh viên UEF thông qua một số sự kiện, hoạt động của chương trình INNOVATE. Trước hết là về thành phần tham dự chương trình, 2/3 trên tổng số sinh viên tham dự chương trình trên là sinh viên Mĩ với chuyên ngành đào tạo chủ yếu của họ hầu hết là về khoa học và kĩ thuật nhưng họ vẫn có kiến thức nền tảng về kinh tế. Thông qua chương trình giúp họ có cái nhìn về xu hướng phát triển khoa học công nghệ ở các nước đang phát triển như Việt Nam và những nước phát triển hơn (Đài Loan) nhằm tìm kiếm những cơ hội đầu tư ở những nơi này. Thứ hai là về chiến lược phát triển công nghệ ở Đài Loan, xu hướng phát triển chủ yếu là phát triển các ngành công nghệ cao (laser, nanotechnology, pin mặt trời, công nghệ sinh học…), những ngành sản xuất gia công nhà máy chuyển sang các nước như Trung Quốc, Việt Nam…) dưới hình thức chủ yếu là các công ty vừa và nhỏ.

Sự phát triển của công nghệ ở Đài Loan được sự đóng góp đáng kể của các trường Đại học như NCKU, Center Taiwan Univesity of Science and Technology,… đặc biệt là ITRY (Industrial Technology Research Institute). Để có nguồn đầu tư lớn cho khoa học công nghệ, họ không chỉ nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền mà phần lớn nguồn thu là từ việc thương mại hóa các phát minh sáng chế bằng cách kí các hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các công ty hoặc các dịch vụ công nghiệp…Bên cạnh đó, việc hợp tác với các trung tâm công nghệ trên thế giới chủ yếu là Mĩ đã giúp cho họ có cơ hội được tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới. So với tình hình hiện tại ở VN thì chiến lược phát triển của họ là hợp lí. Tại sao chúng ta không học tập những điểm tiến bộ của họ để trở nên phát triển hơn?

III) Cơ hội của chúng ta

Trong một số cuộc hội thảo được tổ chức tại VN, 2 vấn đề được đề cập khá nổi cộm là tình trạng tham nhũng và đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực: nước ta được đánh giá là nước có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ tuy nhiên phần lớn lực lượng lao động có trình độ thấp, hệ thống giáo dục yếu kém. Đứng trước thực trạng trên, điều các bạn sinh viên mong muốn không phải là tìm ra những lí giải cho hiện trạng trên mà quan trọng hơn là chúng ta nhận thức vấn đề như thế nào, chúng ta nhìn thấy những cơ hội gì và cần phải làm gì. Có một số nhận định rằng VN hiện nay là hình ảnh của ĐL 20 năm về trước. Tuy nhiên, chúng ta không cần đến 20 năm để phát triển bằng họ bây giờ, chúng ta có tiềm năng và tình hình hiện tại rõ ràng cũng là một cơ hội cho chúng ta. Xét ở một khía cạnh hẹp hơn cơ hội tốt hơn đang thuộc về chúng ta- những sinh viên chuyên ngành kinh tế. Việt Nam có đủ tiềm năng về nguồn lực tài nguyên, con người để có thể đuổi kịp họ thậm chí vượt lên trên nếu chúng ta biết nỗ lực phát triển với một chiến lược phát triển hợp lí. Chúng ta có khả năng trở nên giàu có, làm chủ trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chúng ta nên làm gì? Hiện tại chúng ta đang tụt hậu khá xa, điều chúng ta cần làm là tích cực học hỏi ở họ, kế thừa những kiến thức và kinh nghiệm của họ để rút ngắn con đường phát triển của mình.Và đương nhiên việc đầu tiên chúng ta cần làm là tăng cường khả năng tiếng Anh, chúng ta muốn học hỏi ở họ chúng ta cần phải biết ngôn ngữ của họ. Trước đây bản thân tôi cũng nghĩ rằng tiếng Anh không phải là thứ quá quan trọng, tôi là người Việt sống trên Việt Nam thì không nhất thiết phải biết tiếng Anh, đây là một nhận thức hết sức sai lầm. Tiếng Anh hiện tại không chỉ là của người Mĩ hay người Anh mà tiếng Anh đã trở thành tiếng nói chung của thế giới, làm sao chúng ta có thể hội nhập và phát triển cùng thế giới khi ta không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ của thế giới!

Đài Loan, Singapore, Ấn Độ …những nước mà nhiều người có khả năng Anh ngữ tốt, đặc biệt là giới trẻ đã có được những cơ hội tốt hơn để phát triển đất nước, hội nhập cùng thế giới. Chúng ta nên làm như họ, một khi Tiếng Anh được sử dụng như là ngôn ngữ của chúng ta thì đó sẽ là chìa khóa để ta mở cửa những tri thức của họ, tạo ra những cơ hội cho chính bản thân mình. Chúng ta không muốn mãi mãi chỉ là hình ảnh trong quá khứ của những nước khác, chúng ta cần phải có nỗ lực ngay từ bây giờ, bắt đầu với tiếng Anh. Các bạn sinh viên UEF, các bạn đang có những cơ hội tốt hơn so với phần lớn bạn bè cùng trang lứa ở Việt Nam, hãy biết tận dụng những cơ hội đó để chúng ta có thể là những người đi hàng đầu trong tiến trình hội nhập và phát triển. Cơ hội trong tầm tay của các bạn!
 

Nguyễn Ngọc Phước
(Sinh viên UEF tham gia Innovate 2010)

TIN LIÊN QUAN