Menu
  
Tin UEF

Tản mạn về tinh thần “Doanh nhân xanh” của sinh viên UEF: Bức tranh kỷ niệm

02/06/2012

Rời khỏi buổi tiệc tối do các sinh viên trường Đại học Kinh tế- Tài chính Tp.HCM (UEF) tổ chức để giao lưu cùng các doanh nhân, các nhà quản lý về “Tinh thần Xanh của Doanh nhân” ngày 02/06/2012 vừa qua, lòng tôi cứ mãi lâng lâng. Không ngủ được không chỉ vì tôi đấu giá thành công bức tranh do chính mọi người tham dự đã vẽ nên bằng dấu vân tay của mình; không chỉ vì các cú điện thoại của các bạn bè tham dự ngợi khen mà bởi chính vì tôi suy gẫm rất nhiều vì Tinh thần Xanhmà sinh viên đã thể hiện trong đêm ấy.
 

buc_tranh_ki_niem


Tôi đã không nhận ra những cô cậu sinh viên lém lỉnh, bụi bặm trong bộ quần áo thun jean hàng ngày nữa. Tiếp đón tôi là những thanh niên nam nữ lịch lãm trong những bộ vest, đầm thanh lịch. Sự chững chạc thể hiện rõ trong cái bắt tay nồng ấm, trong các câu chuyện thời sự nóng bỏng đến nỗi tôi không phân biệt được đâu là doanh nhân khách mời và đâu là sinh viên.

Tôi không phải là doanh nhân nhưng công việc và trách nhiệm tại phòng Quan hệ Doanh nghiệp, tôi phải tiếp xúc hàng ngày với các doanh nhân. Tâm hồn tôi cũng chưa có một “ màu xanh” nhưng tôi vẫn thường trao đổi cùng bạn bè về đạo kinh doanh. Do đó, chúng tôi đã sẵn lòng chia sẻ thêm cùng sinh viên để hiểu thêm về tinh thần Xanh của một người doanh nhân: Xanh trong cái Đạo kinh doanh của mình, Xanh trong cách kiếm tiền và phụng sự để dẫn đầu, Xanh trong các hành động bảo vệ môi trường sống và Xanh trong cả tư tưởng triết lý “ Hãy cho đi trước khi nhận lại”…
 

buc_tranh_ki_niem_02


Cuộc đấu giá ba hiện vật để có những suất học bổng cho trẻ em nghèo ở tỉnh Gia Lai là phần gây cấn nhất. Mọi người hăng hái tham gia, đặc biệt là khi đấu giá bức tranh với dấu vân tay của sinh viên tham dự và các doanh nhân.

Giá của bức tranh càng ngày càng đẩy lên cao khi các doanh nhân, sinh viên và tôi cùng thách đấu.

Người cuối cùng mà tôi phải vượt qua là vị khách người Nhật – ông Kobayashi Tổng Giám đốc công ty Thép NS Sài Gòn khi ông đẩy giá lên 69 suất học bổng. Tôi đã không ngần ngại tăng nhích thêm 70 suất và rồi ông rất vui khi biết rằng tôi thực sự thích bức tranh ấy.

Có thể rồi trong những tháng sắp tới tôi phải dành dụm, cắt giảm chi tiêu vì số tiền mà tôi đã bỏ ra để đấu giá. Tuy nhiên, tôi đã rất vui khi được sở hữu nó và trưng bày ngay tại phòng làm việc của tôi. Bức tranh ấy sẽ nhắc nhở cùng tôi rằng hãy sống là làm việc, cống hiến vì một ước mơ của các sinh viên. Để rồi hàng ngày khi tiếp các doanh nhân, tôi sẽ kể họ nghe về một tinh thần làm chủ và sống đẹp , về ước mơ và hòai bão vì cộng đồng của sinh viên trường tôi. Và trên hết tôi sẽ giữ nó như một kỉ niệm về điểm khởi đầu của một khát vọng doanh trí của sinh viên UEF. Tôi tin chắc rằng , mai sau, khi các doanh nhân UEF này trở lại ngôi trường thân yêu này, họ sẽ bồi hồi nhớ lại dấu vân tay ngày nào mình khắc trên bức tranh ấy – như giấc mơ của một thời tuổi trẻ….

TIN LIÊN QUAN